Tòa án địa phương

Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang: Chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Tòa án

Thái Ngọc 13/09/2024 - 14:35

Kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số trong TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.

Trong những năm qua, TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được một số kết quả đáng kể trong công tác Chuyển đổi số. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Thẩm phán Nguyễn Minh Hùng, Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang.

minh-hung.jpg
Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Minh Hùng

P/V: Thưa Chánh án, xin Chánh án cho biết, quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số trong thời gian qua tại TAND tỉnh Tuyên Quang đạt được kết quả như thế nào?

Chánh án Nguyễn Minh Hùng: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về chuyển đổi số Quốc gia; đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trọng tâm là Chỉ thị số 02/CT-CA ngày 15/01/2024 của Chánh án TANDTC về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, cùng nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống TAND. Trong những năm qua, TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được một số kết quả đáng kể trong công tác Chuyển đổi số, cụ thể như sau:

Ngay khi ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 15/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của TANDTC về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đến TAND hai cấp trong tỉnh khẩn trương trang bị phương tiện, điều kiện bảo đảm cho hoạt động xét xử trực tuyến như: tivi, camera trực tuyến, đường truyền trực tuyến…; từ đó đảm bảo việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được đầy đủ về âm thanh, hình ảnh, liên tục, công khai, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, thông tin mạng.

Kết quả, từ năm 2022 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức xét xử 329 phiên tòa trực tuyến, trong đó có 5 phiên tòa được kết nối ngoại tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-TANDTC, ngày 15/3/2022 của TANDTC về Triển khai áp dụng phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán, TAND hai cấp trong tỉnh đã quán triệt triển khai tới toàn thể Thẩm phán trong đơn vị, tích cực tương tác, sử dụng phần mềm Trợ lý ảo Tòa án nhằm hỗ trợ cho Thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo; góp phần bảo đảm việc áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; đồng thời giúp cho phần mềm Trợ lý ảo ngày càng nâng cao chất lượng thông qua quá trình sử dụng, đóng góp ý kiến của các Thẩm phán Tòa án.

Đến nay, 100% Thẩm phán và các cán bộ có chức danh tư pháp trong TAND hai cấp đều thực hiện tương tác, sử dụng, đóng góp câu hỏi và trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo Tòa án, trong đó có 486.205 lượt tương tác và 4.433 câu hỏi, câu trả lời.

Đơn vị đã triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án; hàng năm TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang thực hiện công bố 100% bản án, quyết định thuộc diện phải công bố trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC; không có bản án, quyết định thuộc diện phải công bố mà không công bố.

Ngoài ra, TAND tỉnh đã triển khai thực hiện trong TAND hai cấp với nhiều hoạt động như: tăng cường số hóa hồ sơ tài liệu vụ án, bản án quyết định; cập nhật đầy đủ, kịp thời phần mềm thống kê các loại án, phần mềm quản lý công chức; thực hiện dịch vụ công trực tuyến đăng ký cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án của TAND; áp dụng việc gửi văn bản qua hệ thống thư điện tử TAND; sử dụng tốt hệ thống truyền hình trực tuyến hội nghị để tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức họp, Hội nghị, tập huấn; sử dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản điều hành iOffice trong hệ thống TAND hai cấp.

Kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số trong TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của hệ thống TAND.

toa-tquang.jpg
Thẩm phán TAND tỉnh Tuyên Quang sử dụng phần mềm Trợ lý ảo Tòa án trong công tác chuyên môn.

P/V: Thưa Chánh án, xin ông cho biết, quá trình thực hiện Chuyển đổi số tại TAND tỉnh Tuyên Quang có những khó khăn gì? Những giải pháp mà TAND tỉnh Tuyên Quang đưa ra để tháo gỡ khó khăn này trong thời gian tới.

Chánh án Nguyễn Minh Hùng: Hạ tầng kỹ thuật tại một số đơn vị còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp; tỷ lệ đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử còn thấp, do người dân chưa có ý thức sử dụng các dịch vụ trực tuyến khi làm việc tại Tòa án.

Hoạt động của các Tòa án vẫn còn nhiều công đoạn thủ công, chủ yếu sử dụng sổ sách để ghi chép, theo dõi theo cách truyền thống.

Để khắc phục, chúng tôi xác định giải pháp trước mắt là nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật công vụ trong tổ chức thực hiện.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin để Tòa án điện tử thực thi trong thực tiễn phải đồng bộ cả nhân lực quản lý, vận hành và ứng dụng công nghệ thông tin. Các kỹ sư công nghệ thông tin phải vừa có kiến thức cập nhật về công nghệ thông tin, vừa hiểu biết pháp luật và hoạt động của Tòa án.

Đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin cho các Tòa án.

Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị; tổ chức triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng theo đúng quy định của nhà nước về cấp độ an toàn thông tin đối với hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án.

Tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án trên cổng thông tin điện tử TANDTC và các Trang thông tin điện tử của các TAND cấp cao, các TAND cấp tỉnh, bảo đảm các chuyên trang, chuyên mục được cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin. Khắc phục triệt để việc Cổng thông tin, Trang thông tin điện tử của đơn vị không được cập nhật thường xuyên các thông tin.

Đẩy nhanh việc kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án 06 của Chính phủ và một số cơ dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành có liên quan phục vụ chuyển đổi số Tòa án.

P/V: Xin cảm ơn Chánh án!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang: Chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Tòa án