Năm 2016, TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả tích cực trong giải quyết, xét xử các loại án, tuy nhiên trước mắt vẫn còn những thử thách, nhiệm vụ nặng nề.
PV Báo Công lý có cuộc trao đổi với Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Nga xung quanh vấn đề này.
PV: Kết quả của TAND tỉnh Thanh Hóa đạt được trong năm qua thế nào, thưa bà?
Chánh án Nguyễn Thị Nga: Năm 2016, TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết, xét xử 7.533 vụ án hình sự các loại trong tổng số 8.549 vụ án đã thụ lý (tăng 1.129 vụ), đạt tỷ lệ giải quyết chung là 88%. Số vụ, việc còn lại mới thụ lý, đang được Toà án giải quyết đảm bảo về tiến độ, không có án quá thời hạn giải quyết, xét xử theo quy định của pháp luật. Thụ lý 5.735 vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, đã giải quyết 4.963 vụ, việc đạt tỷ lệ 87%.
Những bản án, quyết định khi có hiệu lực pháp luật đều được Tòa án ra quyết định thi hành án hình sự kịp thời, tổng số là 3045 bị án (cấp tỉnh 148 bị án, chiếm 5%; cấp huyện 2.897 bị án, chiếm 95 %). Tòa án đã chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành rà soát, phân loại đối tượng và có hồ sơ, sổ thụ lý, sổ theo dõi chặt chẽ. TAND tỉnh đã xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 3.393 phạm nhân tại các trại cải tạo theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức thi hành án tử hình 3 bị án.
Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Nga
Năm 2016, TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa thụ lý các loại án có xu hướng tăng, đối với án hình sự, một số loại tội vẫn diễn biến phức tạp so với thời điểm cùng kỳ nhưng do có sự quyết tâm cao của cán bộ, công chức TAND hai cấp của tỉnh nên công tác xét xử các loại án và thi hành án hình sự vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng giải quyết. Tỷ lệ giải quyết, xét xử đều giữ vững ở mức cao; chất lượng giải quyết, xét xử các loại án được nâng lên, hạn chế được án bị huỷ, bị sửa, các mặt công tác khác đều có chuyển biến tích cực. Tổ chức 157 phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra vụ án nhằm tuyên truyền về công tác xét xử, nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân.
PV: Hiện nay, TAND tỉnh Thanh Hóa đứng trước những khó khăn và thử thách gì thưa bà?
Chánh án Nguyễn Thị Nga: Hoạt động của Tòa án các cấp chính là phản ánh hiện thực khách quan của cuộc sống. Trong thời điểm hiện nay, TAND tỉnh đứng trước nhiều khó khăn và thử thách. Công tác xét xử án hình sự hiện tại giữa cơ quan chưa thống nhất được việc giám định hàm lượng ma túy, chất gây nghiện. Khi Tòa trả hồ sơ để Cơ quan điều tra giám định hàm lượng thì mất một khoảng thời gian, thậm chí cơ quan này từ chối giám định. Nếu Tòa tự đưa đi trưng cầu giám định thì không có kinh phí, mất nhiều thời gian, điều này sẽ dẫn tới các vụ án chậm được đưa ra xét xử. Theo quy định của pháp luật đã sửa đổi, bổ sung, án dân sự có hủy giấy chứng nhận thì đưa từ huyện lên tỉnh. Các vụ án hành chính sơ thẩm đều bắt đầu từ tỉnh. Trong khi đó, biên chế Thẩm phán ở cấp tỉnh không tăng, dẫn tới Tòa cấp tỉnh quá tải. Chỉ trong 1 năm, án của tỉnh đã tăng hơn 1.000 vụ so với cùng kỳ.
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, đa dạng các dân tộc, địa bàn chia cắt nên việc đi lại, xác minh của Thư ký, Thẩm phán rất vất vả, nhiều nơi chưa thể đi xe được, cán bộ Tòa án phải đi bộ mấy chục km. Chế độ kinh phí, tài chính đối với hoạt động xét xử còn nhiều bất hợp lý và chưa tương xứng với tính chất đặc thù của công tác và đòi hỏi, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc xét xử, hoạt động còn nhiều hạn chế. Chỉ có khoảng 1/3 các đơn vị đảm bảo được cơ sở vật chất, còn lại đã xây dựng từ lâu, xuống cấp hoặc không phù hợp nhưng không có kinh phí xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Chính vì địa bàn chia cắt nên trình độ Thư ký, Thẩm phán các huyện còn chưa đồng đều, không có nhiều cơ hội để học tập, nâng cao trình độ. Một số nơi còn để xảy ra tình trạng thiếu minh bạch, có dư luận không tốt về trình tự, thủ tục, ra phán quyết các vụ án…
Một số quy định pháp luật có thay đổi, bổ sung nhưng việc ban hành văn bản, hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa kịp thời, không đầy đủ cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ của Tòa án. Trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, một số vụ án phải kéo dài do các cơ quan, tổ chức chưa phối hợp chặt chẽ với Tòa án, chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, định giá, giám định... làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án.
PV: Vậy, giải pháp đặt ra để TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi các kế hoạch là gì, thưa bà?
Chánh án Nguyễn Thị Nga: Xác định công tác cán bộ phải là khâu then chốt của mọi vấn đề, Thư ký tốt, Thẩm phán giỏi, công tâm, có nhiệt huyết với công việc, ham học hỏi… sẽ góp phần thực hiện tốt các công việc đặt ra. Ban cán sự Tòa án tỉnh luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. TAND tỉnh đã tiến hành các cải tổ về bộ máy, tổ chức theo hướng gần dân, thân thiện, minh bạch. Tới năm 2020, nhiều lãnh đạo chủ chốt sẽ nghỉ chế độ nhưng đội ngũ kế cận thiếu và yếu. Vì vậy, TAND tỉnh đang tập trung xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, tạo điều kiện để học hỏi, mở rộng nâng cao phẩm chất chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, có 9 Chánh án cấp huyện tham gia cấp ủy, cá nhân tôi tham gia Ban chấp hành Tỉnh ủy đã góp phần nâng cao vị thế của Tòa án, có nhiều cơ hội mở mang kiến thức, nói lên tâm tư, nguyện vọng của đơn vị với lãnh đạo địa phương. Công tác phối hợp với các đơn vị cũng như chỉ đạo được tốt hơn.
TAND tỉnh thường xuyên kiểm tra kết quả công tác xét xử đối với Toà án cấp huyện. Thông qua đó kịp thời yêu cầu cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót; mặt khác khi phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, các xung đột, lỗ hổng của pháp luật kịp thời kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhằm nâng cao chất lượng xét xử, tránh để xảy ra tình trạng án quá hạn luật định, TAND tỉnh yêu cầu cấp huyện tự kiểm tra, rà soát, thường xuyên gửi kết quả xét xử cho người phạm tội được hưởng án treo về Tòa án để theo dõi…
PV: Xin cảm ơn bà!