Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 đều quy định:TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, trong hệ thống chính trị, chỉ Tòa án mới có chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp và quyền tư pháp được đồng nhất với chức năng xét xử, điều này phù hợp với nhiều nước trên thế giới.
Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình
Việc xác định rõ ràng, đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án là vấn đề quan trọng, là cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện có hiệu quả vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền. Đây cũng là cơ chế pháp luật để tổ chức thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đồng thời là công cụ pháp lý để cá nhân, tổ chức bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã thể chế hóa những nguyên tắc nền tảng của quyền lực nhà nước, trong đó có quyền tư pháp. Những nguyên tắc nền tảng quy định bản chất, tính chất, mục đích của nhà nước, của chế độ, trong đó tư pháp là một trong ba bộ phận cấu thành đã bám sát các Điều 1 đến Điều 4 Hiến pháp 2013, đó là những nguyên tắc chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, cho toàn bộ nhà nước. Quyền tư pháp đã được thể hiện đầy đủ, chặt chẽ trong Luật Tổ chức TAND năm 2014 nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường hệ thống tư pháp để xây dựng “Nhà nước pháp quyền” và “Thượng tôn pháp luật”.