Chánh án Nguyễn Mậu Trường: Xét xử trực tuyến - bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử

Mạnh Hùng| 18/11/2021 21:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để đáp ứng cho các phiên tòa xét xử trực tuyến, Tòa án các cấp cần chuẩn bị tốt yếu tố nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất hiện đại. Đây cũng là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, góp phần vào việc xây dựng nền Tư pháp hiện đại.

01444281-ccb6-46b9-ad64-e0511781480d.jpeg
Thẩm phán Nguyễn Mậu Trường, Chánh án TAND huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Liên quan đến vấn đề xét xử trực tuyến, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Thẩm phán Nguyễn Mậu Trường, Chánh án TAND huyện Sóc Sơn - TP Hà Nội.

PV: Thưa Chánh án, TANDTC đã có dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để kịp thời đáp ứng với yêu cầu thực tiễn cũng như bắt kịp với xu thế quốc tế trong thời đại công nghệ và hiện đã được Quốc hội thông qua. Vậy, theo Chánh án, Tòa án các cấp cần chuẩn bị phương tiện kỹ thuật như thế nào để đáp ứng cho các phiên tòa xét xử trực tuyến?

Chánh án Nguyễn Mậu Trường: Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Vì vậy, để đáp ứng cho các phiên tòa xét xử trực tuyến, theo tôi Tòa án các cấp cần chuẩn bị tốt yếu tố nguồn nhân lực con người cũng như cơ sở vật chất hiện đại. Hệ thống Tòa án phải có đường truyền (mạng viễn thông) mạnh, sạch, an toàn, các trang thiết bị điện tử như máy tính, máy in, máy chiếu, màn chiếu, âm thanh, ánh sáng đồng bộ, tương thích, phần mềm hỗ trợ thông minh, dễ sử dụng và quan trọng nhất là yếu tố con người, đội ngũ kỹ thuật viên phải chuyên nghiệp, Thẩm phán, Thư ký phải thành thạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để làm chủ công nghệ.

PV: Xét xử trực tuyến bản chất là áp dụng công nghệ trong xét xử, đây là hình thức mới đối với Tòa án các cấp. Theo Chánh án, cần chuẩn bị và tập huấn nghiệp vụ cho Tòa án các cấp cùng với các lực lượng liên quan như thế nào để trong quá trình xét xử đáp ứng được yêu cầu đề ra là đảm bảo sự tôn nghiêm và công bằng?

Chánh án Nguyễn Mậu Trường: Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, yêu cầu của phiên tòa phải bảo đảm đúng pháp luật. Trong thời gian qua đã có một số Tòa án (đặc biệt là các Tòa án cấp tỉnh tại một số địa phương lớn) khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử các vụ án về tham nhũng, xâm hại tình dục, vụ án đánh bạc qua mạng internet và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng, đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

Đây cũng chính là tiền đề của mô hình xét xử trực tuyến. Phiên tòa tổ chức theo hình thức trực tuyến phải tuân theo các trình tự, thủ tục tố tụng do các đạo luật tố tụng tư pháp quy định. Do đó, đối với những người tiến hành tố tụng ngoài vấn đề nghiệp vụ thì theo chúng tôi cần phải trang bị, tập huấn kiến thức sử dụng công nghệ, kỹ năng điều khiển phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, Tòa án các cấp phải có kỹ thuật viên phụ trách công nghệ thông tin, đây là bộ phận thường trực xử lý tình huống về thiết bị liên quan đến đường truyền viễn thông.

PV: Xin Chánh án cho biết, việc xét xử trực tuyến sẽ mang lại những ưu điểm gì so với xét xử trực tiếp như thế nào? Điều đó tác động ra sao tới quá trình nâng cao chất lượng và đổi mới công tác xét xử trong tương lai? Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng việc xét xử trực tuyến không đảm bảo sự khách quan bằng việc xét xử trực tiếp, Chánh án có suy nghĩ gì về điều này thưa ông?

Chánh án Nguyễn Mậu Trường: Có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp nói chung, trong đó có việc tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến là xu thế tất yếu mà hiện nhiều quốc gia văn minh trên thế giới đã đưa vào thực hiện. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, nếu không tận dụng và áp dụng vào hoạt động tư pháp nói chung và tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến nói riêng là chưa thấy hết được các lợi ích và bỏ lỡ cơ hội bắt kịp nền khoa học công nghệ phát triển và nền tư pháp tiến bộ của thế giới mà trong đó Việt Nam đang tham gia hết sức tích cực.

Khi xét xử trực tuyến thì những người tham gia phiên tòa, phiên họp (trừ Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác hoặc thậm chí có thể cả những người đó hoặc người chủ trì phiên họp) không ở cùng một địa điểm và không gian với nhau. Năm 2020 xuất hiện dịch bệnh covid19 và năm 2021 diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải áp dụng biện pháp giãn cách và cách ly toàn xã hội theo các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động xét xử khi thực hiện các biện pháp phòng chống.

Đối với Tòa án các cấp thì thời gian kết thúc năm công tác tính đến hết ngày 30/9/2021. Tòa án địa phương chúng tôi cũng như Tòa án hai cấp của thành phố Hà Nội trong những tháng cuối năm công tác đặt ra những yêu cầu rất lớn về nhiệm vụ xét xử nhưng do yêu cầu phòng chống dịch bệnh đã phải tạm dừng xét xử kể từ ngày 24/7/2021 cho đến ngày 06/9/2021 và 21/9/2021 (tùy theo phân vùng chống dịch thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) dẫn đến lượng án tồn đọng rất lớn.

Nhiều vụ án đã chuẩn bị hoặc đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; rất nhiều vụ án bị quá thời hạn chuẩn bị xét xử do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp đến Tòa án thực hiện quyền, nghĩa vụ và tham gia phiên tòa.

Như TAND huyện Sóc Sơn tồn đọng tới 270 vụ án do ảnh hưởng của dịch bệnh covid19. Sau thời gian tạm dừng xét xử, cán bộ Tòa án đã phải làm việc và mở phiên tòa, phiên họp liên tục vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, trong những ngày làm việc còn lại của tháng 9/2021 với một thời gian còn quá ngắn chúng tôi vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu xét xử của năm công tác 2021.

Do vậy, tổ chức xét xử trực tuyến đã là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong phòng chống dịch bệnh và việc xét xử theo hình thức này sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn trong hoạt động xét xử. Tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, phiên tòa trực tuyến còn góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh, tạo cơ chế thuận lợi để bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa. Phiên tòa, phiên họp trực tuyến giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết, là nền tảng cho việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số và hướng tới xây dựng Tòa án thông minh trong tương lai.

PV: Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, xét xử trực tuyến là hình thức mới, trước hết cần áp dụng thí điểm với một số vụ án dân sự, hành chính, thương mại. Với tư tưởng đó, theo Chánh án, Tòa án tối cao và Tòa án các cấp cần thể hiện sự phối hợp như thế nào trong Quy chế?

Chánh án Nguyễn Mậu Trường: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ngày 26/8, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch Quy định phối hợp trong việc thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Nội dung của dự thảo thể hiện rõ tinh thần thí điểm, thận trọng ở phạm vi mở phiên tòa (Điều 4); Điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến (Điều 6). Không phải tất cả phiên tòa đều được xét xử trực tuyến mà chỉ những phiên tòa đáp ứng các điều kiện đặt ra hết sức chặt chẽ, chi tiết. Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án các cấp cần sự phối hợp hết sức chặt chẽ, nhưng linh hoạt trong xây dựng dự thảo Quy chế với nhiều hình thức, thành phần tham gia đóng góp.

Đặc biệt là ý kiến của các đơn vị, cá nhân trong toàn hệ thống Tòa án, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như Liên đoàn Luật sư. Yêu cầu phải xây dựng được Quy chế mang tính tổng quát, nhưng lại tương đối cụ thể, chi tiết và đặc biệt không trái với quy định của các đạo luật về tố tụng tư pháp, phù hợp với năng lực công nghệ thông tin thực tế của nước ta.

PV: Xét xử trực tuyến mặc dù là cần thiết và là xu thế, nhưng các nhà chuyên môn và dư luận vẫn có những lo ngại về chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân. Chánh án có thể chia sẻ thêm về điều này?

Chánh án Nguyễn Mậu Trường: Đây là hình thức xét xử mới, dư luận và các nhà chuyên môn có sự lo lắng về các vấn đề trên. Với hình thức xét xử này chúng tôi nhận thấy đây cũng là hình thức xét xử trực tiếp được tổ chức trực tuyến. Tòa án vẫn đảm bảo các nguyên tắc pháp quyền; tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng của các đạo luật về tố tụng tư pháp.

Vấn đề đặt ra là đòi hỏi Tòa án khi mở phiên tòa cần có sự chuẩn bị hết sức đầy đủ, nghiêm ngặt để đảm bảo các quy định của phiên tòa trực tuyến, đảm bảo chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét, tín hiệu đường truyền ổn định, người tham gia phiên tòa ở các điểm cầu đều theo dõi phiên tòa được đầy đủ, toàn diện. Tổ chức xét xử trực tuyến người tham gia tố tụng vẫn sẽ thực hiện được đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình khi được tham gia tất cả các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Các nguyên tắc pháp quyền và nguyên tắc tổ chức xét xử với hình thức phiên tòa trực tuyến được Tòa án thực hiện đầy đủ thì chất lượng phiên tòa, chất lượng hoạt động tư pháp và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ không bị ảnh hưởng do xét xử với hình thức này. Hơn thế nữa việc sử dụng công nghệ hình ảnh, dữ liệu điện tử khi phiên tòa trực tuyến được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử sẽ càng đảm bảo tính chính xác, khách quan là nguồn chứng cứ quan trọng trong việc xét xử.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc Hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Theo đó, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Với những ưu điểm, lợi ích và sự đảm bảo khi tổ chức phiên tòa trực tuyến như đã đề cập đến ở phần trên, việc Tòa án được tổ chức hình thức xét xử trực tuyến đã được Quốc Hội thông qua là bước đi quan trọng cho việc xây dựng Tòa án điện tử, góp phần vào việc xây dựng nền Tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án Nguyễn Mậu Trường: Xét xử trực tuyến - bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử