Bị mắc bệnh xương thủy tinh nên suốt 12 năm đi học Nguyễn Trọng Tín (SN 1996, ngụ thôn Phước Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) phải đến lớp trên đôi chân của cha.
Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, Tín đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia vừa qua với số điểm đáng ngưỡng mộ.
Ít ai biết rằng, chàng trai Nguyễn Trọng Tín ấy vừa đạt được 27,75 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua lại có một cuộc đời thiếu may mắn. Khi vừa tròn một tuổi, Tín bắt đầu chập chững tập đi và hay bị ngã. Tuy nhiên, dù cú ngã rất nhẹ nhưng Tín lại bị gãy tay, gãy chân. Gia đình đưa Tín đến bệnh viện để điều trị thì các bác sĩ cho biết Tín mắc bệnh xương thủy tinh, một căn bệnh nan y hiếm gặp trên thế giới.
Căn bệnh này gần như vô phương cứu chữa, nếu có tích cực điều trị thì chi phí rất cao mà không có mấy hiệu quả nhưng cha mẹ Tín vẫn đưa em đi khắp các điều trị. Ông Nguyễn Hoàng (SN 1967, cha của Tín) tâm sự: “Khi biết con bị mắc bệnh nan y, vợ chồng tôi rụng rời tay chân. Dù cực khổ nhưng chúng tôi cũng cố gắng vay mượn tiền đưa con đi chữa bệnh ở khắp nơi nhưng không có kết quả gì. Cũng kể từ đó Tín không dám vận động nữa, vì thế các bắp chân bị teo lại, không phát triển được, trên người chằng chịt những vết sẹo do vết thương để lại”.
Do bị bệnh từ nhỏ nên Tín không có được tuổi thơ vui đùa như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Hàng ngày ba mẹ đi làm, Tín ngồi trước cửa nhà, nhìn các bạn vui đùa mà lòng buồn vời vợi. Năm lên 7 tuổi, thấy các bạn cắp sách đến trường, Tín cũng đòi cha mẹ mua sách vở và cho đi học. Không nỡ để con mù chữ, vợ chồng ông Hoàng thu xếp đưa con đến trường. Vì Tín không thể tự đi nên cứ mỗi buổi sáng hàng ngày, ông Hoàng cõng con đến lớp, đặt vào chỗ ngồi rồi chạy đi làm. Đến trưa, ông lại đến trường đón Tín về nhà. Hồi Tín học tiểu học, trường cách nhà đến 4 cây số, có những hôm trời mưa gió, ông Hoàng vẫn căm cụi cõng Tín đến trường vì thấy con ham học. Việc học của Tín rất nhiều lần bị gián đoạn vì gãy tay, gãy chân phải đi nằm viện. Có lần vào năm học lớp 8, cả hai chân bị gãy, vết thương quá nặng, Tín phải mất 3 tháng để điều trị. Chữa bệnh xong, Tín lại tiếp tục đến trường và cặm cụi bài vở.
Nguyễn Trọng Tín (đeo kính) và bạn cùng lớp Nguyễn Vũ Cường
Để có tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông Hoàng phải bươn chải đủ nghề. Ngoài việc trồng trọt, ông Hoàng còn tranh thủ đi làm phụ hồ để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, công việc này cũng không ổn định vì hằng ngày ông phải đưa đón Tín. Có nhiều hôm vì mải làm mà ông đi đón Tín muộn, thấy con ngồi một mình ở trường đợi cha, ông Hoàng thương vô cùng nên hôm sau bỏ luôn công việc.
Do việc đưa đón con đi học ảnh hưởng rất lớn đến việc làm và thu nhập của cả gia đình nên vợ chồng ông Hoàng dự tính chỉ cho Tín học đến lớp 9, chủ yếu để con không bị mù chữ. Thế nhưng, Tín thì nghĩ khác, thấy cha mẹ vất vả vì mình, Tín lại càng quyết tâm học để sau này có cơ hội đền đáp. Sau mỗi lần gián đoạn việc học vì phải nằm bệnh viện, Tín lại nằng nặc đòi cha mẹ cho tiếp tục đến trường. Tuy có những lần phải nghỉ học thời gian dài, nhưng khi trở lại lớp, Tín vẫn theo kịp chương trình và vượt qua các kỳ kiểm tra. Ở lớp, Tín tập trung nghe thầy cô giảng bài và tích cực tham gia xây dựng bài. Về nhà, Tín dành thời gian ôn luyện bài cũ, tìm hiểu bài mới để chủ động trong giờ lên lớp.
Em Nguyễn Vũ Cường (SN 1997, bạn cùng lớp với Tín) chia sẻ, “Học chung 3 năm với Tín, em thấy bạn ấy rất có chí học hành, học giỏi đều các môn, tính tình hòa đồng và nhiệt tình hỗ trợ các bạn khác trong lớp. Có bài tập khó, bạn nào hỏi Tín đều được Tín tận tình chỉ dẫn”.
Ông Nguyễn Hoàng, người cha đã cõng Tín suốt 12 năm đi học
Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Tín đã gây bất ngờ lớn khi đạt điểm số 27,75. Trong đó, môn Toán đạt 8,75 điểm, môn Lý và môn Hóa đều đạt 9,5 điểm. Với kết quả này, Tín là học sinh dẫn đầu toàn trường THPT Trần Văn Dư (huyện Phú Ninh) trong kỳ thi này. Và cũng với điểm số đó, Tín gần như chắc chắn đã đỗ vào đại học.
Bà Võ Thị Thìn (SN 1967, mẹ của Tín) thì chia sẻ: “Dù gia đình có khó khăn, cực khổ chúng tôi cũng cố gắng lo cho Tín ăn học. Nếu Tín học ở TP. Hồ Chí Minh hay ở Đà Nẵng thì chồng tôi sẽ đi theo, làm thuê, làm mướn để gần gũi và chăm sóc con. Bởi, từ trước đến nay, mọi sinh hoạt của Tín đều nhờ vào sự trợ giúp của cha mẹ”.
Với số điểm 27,75 Tín gần như chắc suất vào đại học, Tín cho biết, lúc đầu Tín có dự tính đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ký túc xá khá xa trường nên Tín đã đăng ký vào trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh vì ký túc xá trường này gần trường hơn. Nguyện vọng là vậy nhưng Tín vẫn rất băn khoăn về điều kiện để theo học. Hiện tại, người anh trai của Tín đang học năm hai một trường Cao đẳng tại TP. Đà Nẵng. Nếu Tín học tại TP. Hồ Chí Minh thì chi phí sẽ lớn, sợ cha mẹ lại thêm phần cơ cực.