Hàng chục đại án Kinh tế - Tham nhũng được đưa ra xét xử với những phán quyết thấu tình đạt lý là minh chứng sống động nhất cho đường lối đúng đắn của Nghị quyết số 49-NQ/TW Bộ Chính trị khóa IX ban hành 15 năm trước về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Trong những năm qua, nền tư pháp nước ta đã có bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực nhờ thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW thể hiện chủ trương cải cách tư pháp của Ðảng đã thật sự đi vào đời sống, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. Hoạt động tư pháp đã góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Để đạt được điều này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự thay đổi quyết liệt trong nhận thức cũng như hành động, từ quá trình thu thập chứng cứ đến việc phân tích, nhận định hành vi đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, những hoạt động này được tiến hành một cách thận trọng, chặt chẽ, góp phần giảm oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm. Ở mỗi giai đoạn tố tụng, các cơ quan tư pháp đã có những bước đi riêng, phù hợp với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn. Cơ quan điều tra tiến hành xử lý kịp thời, thận trọng, nghiêm minh các loại tội phạm. Viện Kiểm sát thực hiện tích cực công tác phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Tòa án đẩy mạnh cải cách tư pháp qua hoạt động tranh tụng công khai tại phiên tòa không hạn chế thời gian và số lần các bên tham gia đối đáp; đa dạng các biện pháp chứng minh hành vi vi phạm qua các hình thức công bố lời khai, trình chiếu chứng cứ ngay tại phiên tòa…
Điều đó thể hiện sâu sắc ở ngay những việc điều tra, truy tố, xét xử các Đại án kinh tế - tham nhũng trong những năm vừa qua. Đại án xảy ra ở Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là một ví dụ điển hình.
Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan tố tụng xác định giá trị hợp đồng mua bán CP giữa MobiFone với AVG là gần 9.000 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, gây thiệt hại trực tiếp làm mất vốn nhà nước tại MobiFone với số tiền gần 6.600 tỷ đồng. Từ việc phân tích, với số tiền thất thoát nhiều như vậy, sẽ không chỉ dừng lại ở hành vi "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" mà có thể có những hành vi khuất tất đằng sau bản hợp đồng mua bán cổ phần này…, các cơ quan tố tụng đã định hướng điều tra, mở rộng vụ án.
Mặc dù, việc điều tra được tiến hành quyết liệt nhưng các cơ quan tố tụng cũng rất thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ vụ án này. Quá trình điều tra các bị cáo về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", ngày 13/10/2018, Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) đã đầu thú, tự khai ra việc nhận 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) và tự nguyện nộp lại đầy đủ số tiền này. Ngày 13/10/2018, Lê Nam Trà có bản cung tự khai đầu tiên về hành vi nhận hối lộ, nhưng tới ngày 12/4/2019, Cơ quan điều tra mới quyết định khởi tố về hành vi đưa và nhận hối lộ, thể hiện sự thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ của các cơ quan tố tụng.
Tại phiên toà xét xử vụ án, HĐXX tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), tháng 12/2019.
Từ định hướng đó, cùng với những nỗ lực đấu tranh tội phạm, Cơ quan điều tra và VKS đã phối hợp phát hiện, làm rõ hành vi tham nhũng trong vụ án này với số tiền đưa và nhận hối lộ đặc biệt lớn. Đây chính là khó khăn, phức tạp lớn nhất mà cơ quan tố tụng đã từng bước tháo gỡ, biến vụ án từ phức tạp trở thành đơn giản. Qua đó, thu hồi được số tiền lớn về cho Nhà nước và trở thành vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng, số tiền đưa hối lộ và hối lộ đã được thu hồi.
Trong tố tụng hình sự, việc quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án khi có những dấu hiệu phạm tội là thuộc về quyền và trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Quyết định này được xuất phát từ lợi ích của Nhà nước và xã hội (lợi ích công) mà không phụ thuộc vào ý chí và lợi ích của tổ chức, cá nhân riêng rẽ nào. Cơ quan có thẩm quyền tố tụng tiến hành khởi tố vụ án, làm khởi động cơ chế truy cứu trách nhiệm hình sự, thực hiện trách nhiệm công khai của Nhà nước, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước theo những thủ tục bắt buộc chung nhằm duy trì pháp chế, trật tự pháp luật và công lý.
Đối với việc kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc lại “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín… Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hoạt động của 3 cơ quan tố tụng: Công an, VKS, Tòa án đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Chính sách khoan hồng thức tỉnh lương tâm tội phạm
Trong lịch sử tố tụng hình sự, nhiều trường hợp bị can, bị cáo tự giác khai nhận hành vi để mong được hưởng lượng khoan hồng. Có trường hợp bị can khai nhận ngay từ giai đoạn điều tra, thậm chí ngay cả khi chưa bị khởi tố về hành vi đó, họ đã nhận tội. Có trường hợp bị kết án tử hình, tới khi bị đưa ra thi hành án tử hình mới khai thêm về hành vi của đồng phạm (vụ án Vũ Xuân Trường - Xiêng Phênh mua bán trái phép chất ma túy)… Tất cả những trường hợp này đều mong muốn hướng tới việc được giảm nhẹ hình phạt, cho họ có cơ hội để làm lại cuộc đời.
Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), quá trình điều tra các bị cáo về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", bị can Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) đã tự giác đầu thú, tự khai ra việc nhận hối lộ 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) và tự nguyện nộp lại đầy đủ số tiền này.
Sau động thái đó của Lê Nam Trà, lần lượt các bị can khác cũng tự giác khai nhận và tự nguyện khắc phục hậu quả. Việc hợp tác này là rất đặc biệt, nhất là đối với hành vi đưa và nhận hối lộ. Hợp tác đến mức chưa bị khởi tố về hành vi đó, họ đã nhận tội và khắc phục hậu quả. Điều này chứng tỏ các bị cáo đều đã nhận thức được sai phạm của mình và có ý thức khắc phục để giảm thiểu hậu quả, giảm trách nhiệm hình sự mà mình phải đối mặt.
Có thể nói, trong số các hành vi phạm tội, hành vi đưa và nhận hối lộ là hành vi khó bị phát giác nhất, bởi chỉ có người đưa và người nhận tiền biết, rất khó để có bằng chứng hoặc nhân chứng chứng minh điều này. Trong nhiều vụ án kinh tế trọng điểm, các sai phạm của bị cáo là rất rõ ràng, song các cơ quan tố tụng không thể làm rõ được nguyên nhân, động cơ nào dẫn đến việc các bị cáo cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cố tình cho các đối tượng khác được mua nhà đất, công sản với giá rẻ, được hưởng ưu đãi sai chính sách của Nhà nước… bất chấp hậu quả pháp lý có thể xảy ra.
Trong những vụ án đưa và nhận hối lộ này, việc các bị cáo tự giác đầu thú, khai nhận hành vi và tự nguyện khắc phục, hoàn trả lại số tiền đã nhận là đặc biệt đáng được ghi nhận. Bởi lẽ, nếu họ khai thêm ra, tức là họ sẽ bị khởi tố thêm tội danh, tức là họ sẽ bị tăng hình phạt. Trong khi họ hoàn toàn có thể không khai hoặc thông đồng phản cung, chối tội… nhưng họ đã không làm như vậy.
Để làm được điều này, chắc chắn các bị cáo không chỉ nhận thức được sai phạm của họ mà còn đặt niềm tin rất lớn vào việc nếu khai ra, họ sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật. Việc này đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải nhìn nhận, phải có đánh giá để có một chính sách phù hợp, trả lời cho dư luận và các trường hợp khác. Khi bị can, bị cáo đặt niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, những cơ quan này phải có trách nhiệm động viên và có cách ứng xử phù hợp với niềm tin đó. Tránh trường hợp động viên xong, bị cáo khai ra, bị cáo hợp tác, mà không có một chính sách pháp luật cho bị cáo. Nếu không đề xuất chính sách pháp luật phù hợp, sẽ không khuyến khích được người phạm tội khai báo.
Vấn đề đặt ra là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vận dụng và xem xét quyết định áp dụng đường lối xử lý như thế nào đối với cá nhân đó? Quyết định áp dụng này không chỉ là quyết định đối với cá nhân đó, mà quan trọng hơn là tạo ra một cơ chế pháp luật để cho người khác, đối tượng khác ý thức được nếu như mình cũng tự giác, thành khẩn như vậy, sẽ được hưởng chính sách tương tự. Quyết định này nhằm cả hai mục tiêu xử phạt và giáo dục, khuyến khích sự chuyển biến nhận thức trong các bị can, bị cáo.
Hoạt động của Tòa án phải bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người…
Tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2021, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những thành tựu ngành Toà án đã đạt được trong nghiệm kỳ 5 năm qua, đặc biệt trong năm 2020 với rất nhiều các vụ án lớn được đưa ra xét xử.
Triển khai công tác trong thời gian tới, nguyên Thủ tướng nhấn mạnh ngành Tòa án thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; chủ động thích ứng, giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra.
Nguyên Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu xây dựng và chuẩn bị thực hiện một Chiến lược cải cách tư pháp mới theo Nghị quyết của Đảng. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các đồng chí cần suy nghĩ những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một Chiến lược cải cách tư pháp mới của Tòa án nói riêng và nền tư pháp nói chung nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới.
“Cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống Tòa án, các đồng chí phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác Tòa án” - nguyên Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, các cấp Tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Hoạt động của Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đem lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp. Trong đó, mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội, qua đó khuất phục tội phạm, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ. Để làm được điều này, hoạt động Tòa án phải thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.