Thủ môn có điệu nhẩy Spaghetti ( hay như cách người hâm mộ Việt Nam gọi là “đôi chân xoắn quẩy”) không ai khác chính là người trấn giữ khung thành Liverpool nổi danh một thời: Bruce Grobbelaar.
Bruce Grobbelaar - thủ môn nổi tiếng với điệu nhảy Spaghetti
Sinh năm 1957 tại Nam Phi, sự xuất hiên lần đầu tiên của Bruce Grobbelaar tại Liverpool là vào tháng 3/1981, khi HLV Bob Paisley đem ông về từ Vancouver Whitecaps. Quãng thời gian gắn bó của Grobbelaar với The Kop có lẽ là quãng thời gian vinh quang nhất đời ông.
Vinh quang chỉ dành cho người bản lĩnh
13 năm ở Liverpool không phải là con số nhỏ. 13 năm là cả thời tuổi trẻ dũng cảm của Grobbelaar. Những ngày tháng đầu ở sân Anfield, ông đã chịu khá nhiều lới chỉ trích vì đã không có sự thể hiên tốt ngay từ đầu. Thâm chí có lúc người ta cho ông là gã hề trên sân bởi ông, lúc thì tỏ ra lanh lợi cùng khả năng phản xạ xuất sắc lúc lại thiếu ổn định và chắc chắn.
Bỏ qua tất cả mọi lời dèm pha, Grobbelaar âm thầm khắc phục những sai lầm để khẳng định vị trí của mình trong đội hình The Kop và trong lòng cổ động viên. Với một phong cách bắt bóng khác thường, ông luôn là một nhân tố quan trọng trong cuộc đua tranh danh hiệu của Liverpool trong thập niên 80. Những “màn xoắn quẩy” mà ông thể hiện trong loạt đá penalty ở trận chung kết Cup C1 châu Âu năm 1984 khiến 2 cầu thủ của AS Roma là Bruno Conti và Francesco Graziani mất bình tĩnh và sút hỏng quả penalty; hay cú nhảy kangaroo ngoạn mục cứu Liverpool thoát khỏi một bàn thua từ Graeme Sharp trong trận chung kết FA Cup năm 1986 đã đi vào lịch sử của bóng đá và mãi được người đời nhắc đến. Cổ động viên Liverpool thích thú khi thấy sự xuất hiện của ông trên sân, bởi chỉ có Grobbelaar, bằng tài năng và cá tính của mình mới làm họ có thể vừa tức giận ở phút trước lại vỡ òa sung sướng ở ngay giây sau đó.
Lập dị và đầy tài năng là điều không ai có thể phủ nhận. Bảng vàng thành tích của Grobbelaar khi cùng các đồng đội ở Liverpool đạt được rất đáng ngưỡng mộ: Vô địch giải hạng nhất nước Anh (1981/82, 1982/83, 1983/84, 1985/86, 1987/88, 1989/90), Vô địch Cup C1 châu Âu (1984), FA Cup (1986, 1989, 1992), League Cup (1982, 1983, 1984), Charity Shield (1982, 1986, 1988, 1989, 1990).
Nhận xét về Grobbelaar, Chris McLoughlin đã cho ràng ông xứng đáng là thủ môn giỏi nhất vì tất cả những điều khác thường mà ông ấy đã làm. “Grobbelaar có thể để lọt lưới những bàn mà không một thủ môn nào để lọt nhưng cũng lại có thể cứu những bàn thua mà không ai khác có thể cứu được. Pha cứu thua sau cú sút của Graeme Sharp chính là bước ngoặt của trận chung kết FA Cup năm 1986, nếu lúc đó Everton ghi bàn, chúng ta có lẽ đã thua trận. Còn rất nhiều tình huống khác trong suốt sự nghiệp của ông ấy mà khi nhìn lại và suy ngẫm, bạn sẽ thấy đó đều là những pha cứu bóng tuyệt vời, và bạn sẽ băn khoăn liệu có một thủ môn nào như vậy nữa không, câu trả lời của tôi có lẽ là không."
Trải qua ba đời HLV của Liverpool là Paisley, Fagan và Dalglish, thủ môn lập dị Grobbelaar vẫn vững ngai bởi ông là người khó có thể thay thế.
Đội bóng vùng Merseyside sẽ luôn ghi nhận sự nhiệt huyết và đam mê chơi bóng của Grobbelaar và ông chính là một tượng đài trên sân Anfield.
Nghi án bán độ mãi là dấu hỏi
Grobbelaar là cầu thủ châu Phi đầu tiên trong lịch sử đăng quang tại Cúp C1 châu Âu và khi đang ở đỉnh vinh quang, ông dính nghi án bán độ, một vụ án rúng động làng bóng đá lúc bấy giờ.
Sự việc xảy ra vào ngày 5/11/1994, tờ The Sun ghi được hình ảnh Grobbelaar mặc cả và nhận tiền để dàn xếp tỷ số trận đấu, 5 ngày sau câu chuyện này được đưa lên báo và scandal bùng nổ. Cùng với ông là thủ môn của Wimbledon, Hans Segers, tiền đạo John Fashanu của Aston Villa và đặc biệt là một nhà kinh doanh từ Malaysia, Heng Suan Lim. Trong đó, Lim và Fashanu đóng vai trò trung gian, còn hai thủ môn là người thực hiện.
Đó là khởi đầu của một vụ án dai dẳng trước tòa. Dù thừa nhận hình ảnh The Sun đưa ra là có thật nhưng Grobbelaar giải thích rằng đó là do ông thu thập bằng chứng về việc bán độ. Sau hai phiên tòa, tháng 11/1997 Grobbelaar được tuyên bố vô tội vì người ta không thể thống nhất tội danh của Grobbelaar, cũng không chứng minh được các tội danh ấy.
Câu chuyện chưa dừng ở đó khi Grobbelaar kiện ngược lại tờ the Sun và ban đầu ông giành thế thắng lợi khi tòa phán quyết The Sun phải bồi thường cho ông 85.000 bảng. Điều đó đã khiến tờ báo này mở cuộc điều tra với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Với hàng loạt chứng cớ trong tay The Sun kháng cáo. Phán quyết cuối cùng được đưa ra: tuy không ai chứng minh được Grobbelaar “bán độ”, nhưng những chi tiết mà The Sun đưa ra cũng là cơ sở rõ ràng cho sự tố cáo, có nghĩa tờ báo không hề dựng chuyện và vu khống. Kết quả, The Sun chỉ phải bồi thường danh dự 1 bảng trong khi Grobbelaar phải nộp án phí 500.000 bảng. Thủ môn Grobbelaar lừng danh không có đủ 500.000 bảng để nộp án phí và bị tuyên bố phá sản.
Và cho đến giờ, có đúng Grobbelaar đã can tội dàn xếp tỷ số không vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Sau nghi án bán độ, sự nghiệp của Grobbelaar đã bắt đầu xuống dốc, dù ông không bị cấm thi đấu. Cùng với đó là việc ông và vợ chia tay, và chính vợ ông, tiếp viên hàng không Debbie lên tiếng tố cáo chồng mình. Tất cả những điều này đã đặt dấu chấm hết những tháng ngày vinh quang của một huyền thoại.
Thời gian như phương thuốc diệu kỳ làm xóa nhòa đi tất cả, và giờ đây khi nhắc đến Grobbelaar, người ta vẫn nói về một thủ môn có điệu nhẩy Spaghetti vô đối và là một thủ môn tài năng của thập kỷ 80, còn nghi án vẫn chỉ là nghi án.