Chậm xử lý văn bản chồng chéo vì liên quan nhiều ngành, nhiều khâu

Trung Nguyễn| 23/09/2020 18:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước vừa được Ủy ban Pháp luật thẩm tra, tính đến ngày 31/8/2020, Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận hơn 100 văn bản phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản. Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như: Quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; Quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; Quy định về tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Kết quả rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn; việc triển khai thực hiện một số chế định pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là xử lý vi phạm chưa kịp thời và đủ nghiêm khắc. Cơ chế bảo đảm cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Một số trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành, dẫn đến khó đi vào cuộc sống. Việc tổng kết thực tiễn thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp chưa được tiến hành kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị 25 nội dung được cho là có chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh. Qua rà soát của Tổ công tác cho thấy, 16/25 nội dung được nêu là có cơ sở hoặc đúng một phần, 9/25 nội dung chưa chính xác.

Một trong những kiến nghị của Dự thảo Báo cáo là khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo các phương án đã được nêu tại Báo cáo để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Báo cáo cần bổ sung thêm các ví dụ điển hình, nhất là những bất cập, khó triển khai ở các luật vừa mới ban hành như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp... đã phát hiện bất cập.

Theo lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, việc thống nhất xử lý văn bản không đơn giản, từ việc xây dựng chương trình, đưa ra Quốc hội để thống nhất được sửa đổi, bổ sung văn bản nào. Báo cáo để thấy được thực trạng, còn việc xử lý thế nào thì Quốc hội sẽ quyết định. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, quá trình xử lý sự chồng chéo, bất cập rất chậm vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm xử lý văn bản chồng chéo vì liên quan nhiều ngành, nhiều khâu