Nếu một lần được nghe bài thơ "Còn tình yêu ở lại" của Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Công lý Nguyễn Mạnh Hồng, bạn sẽ cảm nhận rõ nét về những trăn trở rất đời của tác giả. Đặc biệt, khi những câu chữ, vần điệu ấy được Nhạc sĩ Hải Nam “chắp cánh”; Đạo diễn Dương Thu Hương “tái hiện” bằng một MV và Ca sĩ Nhật Thủy truyền cảm xúc vào mỗi câu chữ… thì “Còn tình yêu ở lại” thực sự tỏa sáng, thực sự chạm vào tái tim của mỗi người.
Ca sĩ Nhật Thủy người thể hiện thành công ca khúc "Còn tình yêu ở lại" trong MV cùng tên của đạo diễn Dương Thu Hương, tâm sự: “Nhật Thủy đã khóc khi hát những câu đầu trong lúc thu âm ca khúc, vì lời thơ quá chân thật. Bản thân Thủy cũng tin người nghe sẽ cảm nhận được hết sự mất mát, chia ly, đau khổ khi hôn nhân đổ vỡ vì đây không phải câu chuyện của riêng ai. Bài hát mang tính nhân văn và xã hội rất cao”.
Còn đạo diễn Dương Thu Hương chia sẻ rằng: “Lời thơ của tác Nguyễn Mạnh Hồng thực sự quá ấn tượng và cảm xúc. Có lẽ tác giả đã rất hiểu và chia sẻ với những số phận của những đứa trẻ trong các cuộc phân xử ly hôn nên lời thơ đã lột tả được hết những gì chúng ta không cảm nhận hoặc cố tình quên đi. Cộng thêm phần âm nhạc của Hải Nam đã giúp cho những vần thơ của ca khúc tăng thêm phần cảm xúc mà ai trong mỗi chúng ta khi xem và nghe ca khúc này đều rơi lệ. Ở đây, tác giả Nguyễn Mạnh Hồng rất cẩn thận, chỉn chu trong câu từ còn âm nhạc, giai điệu của Hải Nam đã tôn trọng và giữ nguyên lời thơ trong ca khúc. MV đã có những cung bậc cảm xúc tạo cho người xem một cách chân thật nhất. Sự kết hợp ăn ý, quấn quện với nhau giữa bộ ba Thơ - Nhạc và Hình ảnh đã tạo nên một MV rất gần với đời, đầy xúc cảm. Có lẽ điều đó tạo nên sự thành công của MV.”
Vậy người đọc, người nghe và người xem thấy gì từ "Còn tình yêu ở lại" của Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng? Và, điều gì khiến "Còn tình yêu ở lại" lấy đi nước mắt người thưởng thức?
Con vẫn đứng sân tòa
Đường về nhà xa ngái
Phiên tòa vừa khép lại
Cha mẹ dời gót đi
Đây bản án chia ly
Nào có ai do dự
Cha mẹ tình mẫu tử
Đâu biết con còn đây...?!
Mở đầu bài thơ, tác giả đặt xuống những câu như hỏi vừa khắc khoải, vừa da diết. Chỉ vài câu chữ giản đơn, người đọc đã có thể mường tượng ra một khung cảnh thực đang hiển hiện trước mắt mình. Chính sự chân thực này đã khiến cho người đọc phải thổn thức, giật mình. Đổ vỡ, chia ly, day dứt, khổ đau… là những điều mà bất cứ cặp đôi nào cũng trải qua khi ly hôn, nhưng có mấy ai nghiêm túc trả lời cho câu hỏi: Bản thân phải làm gì để có thể vỗ về những đứa trẻ bị tổn thương?
Không lời trách móc nhưng trong ánh mắt của con thơ liệu người làm cha làm mẹ có được mấy phần thấu hiểu. Trong ánh mắt đó, có sự yêu thương, có sự vô vọng, có sự bất lực cùng luyến tiếc, cô đơn. Có sự van lơn, cầu ước tất cả những gì trước mắt chỉ là giấc mơ, rằng em vẫn có một gia đình trọn vẹn. Nhưng tiếc thay, "Phiên tòa vừa khép lại/Cha mẹ dời gót đi…/Đâu biết con còn đây...?!".
Tác giả không tốn nhiều giấy mực để khắc họa nhưng hình ảnh chân thực cứ bày ra, khiến người đọc có được cảm giác đang đối diện với những nhân vật cụ thể, đang tận mắt chứng kiến những thay đổi, những diễn biến nội tâm của từng đứa con đang trong cảnh chơ vơ, ngơ ngác giữa sân tòa. Tôi cho rằng, cái thành công của tác giả chính là gợi cảnh bằng thơ, gợi cảm xúc cho người đọc bằng chính những câu từ giản mộc. Không mỹ miều, sáo rỗng, không đa từ, đa sắc nhưng câu chuyện thực, rất thực cứ khắc sâu vào tim người đọc, lắng đọng, đầy thổn thức.
Không hề giả trân khi nói rằng, cũng như ca sĩ Nhật Thủy, lần đầu tiên đọc bài thơ "Còn tình yêu ở lại" tôi đã khóc. Tôi thật sự quên rằng, mình đang đọc thơ. Cái khiến tôi khóc chính là hình ảnh hiện ra trong đầu tôi, trước mắt tôi… một cuộc hôn nhân tan vỡ, những đứa trẻ bơ vơ…
...Nhìn đôi mắt thơ ngây
Khoảng trống đời trước mặt
Đâu nào còn hạnh phúc
Tình cốt nhục phân ly...
"Còn tình yêu ở lại" là một bài thơ dường như đã gói ghém tất cả trăn trở, suy tư của tác giả khi chứng kiến những câu chuyện hạnh phúc dở dang, tổ ấm tan vỡ kéo theo những số phận bé nhỏ chông chênh khi phải đối diện với “khoảng trống đời trước mặt” - Một khoảng trống đầy tổn thương khó có thể chữa lành trong những tâm hồn non nớt.
Ước mơ về một gia đình trọn vẹn của những đứa trẻ đã không còn. Hy vọng vào một sự thay đổi “ở phút cuối” từ người làm cha làm mẹ đã không còn. Thứ chúng nhận lại chỉ là trái tim, tâm hồn với những vết xước chằng chịt.
...Thôi hãy để mẹ đi
Cha cũng về bến mới
Biển tình yêu vẫy gọi
Cánh buồm xa mất rồi…
...Chị mong em là người
Vững vàng trong bão tố
Chị bàn tay chắn gió
Hãy vững vàng nhé em...
Người đọc, người nghe sẽ rất đau, rất đồng cảm với sự “trưởng thành” của người chị trong câu chuyện này. Dù có hụt hẫng, có mất mát, có đau khổ đến mấy cũng nở nụ cười để nói với em những lời an ủi. Cha mẹ của họ có duyên đến với nhau nhưng không có phận để cùng nhau gắn kết, cho nên chị và em chỉ có thể đặt buồn đau qua một bên để “mẹ đi” và “Cha cũng về bến mới”.
Người đọc, người nghe sẽ không tìm thấy trong "Còn tình yêu ở lại" bất cứ lời trách cứ nào đối với những nhân vật trong câu chuyện ly hôn, nhưng lại khiến người trong cuộc phải giật mình, suy ngẫm. Tác giả chính là “ý ở ngoài lời”, bởi hai chữ “hạnh phúc” đôi khi dễ thấy, khó tìm, có khi tưởng xa cố công tìm kiếm nhưng gần ngay trước mặt, có khi tưởng đã đủ duyên nhưng hóa ra vẫn thiếu một chữ phận. Nói một cách dễ hiểu hơn, đứa trẻ trong câu chuyện này đang “đại diện” cho vô vàn những đứa trẻ khác đã, đang và sẽ cùng cảnh ngộ.
Một bài thơ không giản đơn dừng lại ở mặt chữ, một ca khúc không đơn giản dừng lại ở giai điệu, một MV không bình thường dừng lại ở những hình ảnh đơn thuần… mà tất cả vì cộng hưởng với nhau, mang đến một ý nghĩa sâu sắc với đời. Người viết xin mạn phép gọi những người làm nên sự thành công của “Còn tình yêu ở lại” là nghệ sĩ, bởi họ chính là những người đã khéo léo gửi vào “đứa con tinh thần” của mình thông điệp nhân văn về cuộc sống. Những bậc làm cha, làm mẹ cần nghĩ đến cảm xúc mất mát, sự trưởng thành khiếm khuyết của con trẻ trước khi buông tay. Khi mà xã hội phát triển, tình trạng các cuộc hôn nhân bị “khai tử” ngày càng nhiều thì những lời gửi gắm trong "Còn tình yêu ở lại" lại mang giá trị vô cùng lớn.
...Ồ đã hết bóng đêm
Mặt trời hồng đã sáng
Kìa bình minh ló rạng
Nắm tay chị cùng đi.
…Thôi nghĩ ngợi làm chi
Mặt trời hồng đã sáng
Kìa bình minh ló rạng
Năm tay chị… nào đi!.
Sau một cuộc hôn nhân của người lớn tan vỡ, sẽ có những tổn thương đối với những đứa trẻ, có tổn thương sâu đậm cũng có những tổn thương được thời gian làm mờ. Tác giả đã đặt vào những bàn tay non nớt một đốm lửa hồng, đặt vào trái tim một sức mạnh cho những đứa trẻ có thêm sự tự tin vào cuộc sống. Không có thứ mất đi vĩnh viễn mà nó chỉ là đang thay đổi từ dạng này sang dạng khác, ở đây tác giả muốn khẳng định rằng tình yêu thương luôn tồn tại, bằng cách này hay cách khác những đứa trẻ sẽ vượt qua chông chênh đầu đời, sẽ đón nhận một tương lai mới.
Thật ra, trên thế giới này dù nó có tồi tệ đến đâu cũng không hoàn toàn đại diện cho toàn bộ cuộc sống. Bởi ở đâu đó sẽ luôn có những tia hy vọng mà chúng ta cần bình tĩnh nắm bắt để cố gắng bước tiếp. Dẫu biết, số phận không thể hoàn toàn công bằng, chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh sống cho mình nhưng lại có thể chọn thái độ của mình đối với cuộc sống. “Còn tình yêu ở lại” chính là muốn chúng ta mạnh mẽ để bước đi trên con đường tương lai của mình, bởi tác giả tin tưởng rằng “sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Ekip MV thực hiện một cảnh quay
Nếu như chỉ đọc bài thơ "Còn tình yêu ở lại" đã khiến người đọc không ngăn được cảm xúc của mình thì khi "Còn tình yêu ở lại" dưới cái “vuốt tay” của nhạc sĩ Hải Nam, những cảm xúc đó thực sự vỡ òa không cách nào ngăn được. Vậy mới nói, giữa tác giả Nguyễn Mạnh Hồng và nhạc sĩ Hải Nam đã có sự đồng cảm, đồng điệu với nhau về tâm hồn. Qua giai điệu, một lần nữa hồn thơ được thổi vào luồng khí mới, truyền xúc cảm mãnh liệt tới người nghe.
Phải nói rằng, giai điệu của "Còn tình yêu ở lại" không phải quá mới nhưng chính điều này lại phù hợp với lời thơ, nó đặt xuống lòng người nghe những chấm lặng đầy ưu tư, ray rứt. Chỉ cần giai điệu cất lên đã đẩy cảm xúc của người nghe chạm vào điểm sâu nhất của lòng mình. Bắt đầu từ giai điệu chậm rãi nhưng lôi cuốn bởi có sự dẫn dắt tới cao trào, thể hiện sự giằn vặt nội tâm của nhân vật. Và sau đó là nỗi đau của giây phút chia ly dâng đến đỉnh điểm. Tiết tấu đều, ổn định nhưng sự di chuyển của đường nét giai điệu lên xuống bất ngờ, làm cho bài hát trở nên lôi cuốn, góp phần làm rõ nội dung của mỗi ca từ.
MV Còn tình yêu ở lại
Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá và chia sẻ rằng "Còn tình yêu ở lại" là một bài thơ, một ca khúc dễ đi vào lòng người bởi vì nó không chỉ dừng lại ở chỗ được tác giả sử dụng ngôn ngữ có tính hình tượng và biểu cảm cao mà nó còn là thông điệp của sự nhân văn và mang tính giáo dục. Bên cạnh đó, giai điệu của ca khúc khiến nó trở nên gần gũi với người nghe. Tiết tấu đều, chậm, đoạn đầu ở âm vực trầm thể hiện như những bước chân nặng nề của người trong cuộc, cảm xúc giằng xé của những đứa trẻ trong thời khắc cha mẹ cầm trên tay bản án chia ly. Đoạn hai, bài hát chuyển sang âm vực cao, đẩy lên cao trào thể hiện nỗi đau đã đạt đến đỉnh điểm, vỡ òa cảm xúc và không còn kìm nén như lúc đầu nữa. Nhạc sĩ lại để bài hát trở lại âm vực trầm và về kết ở âm chủ ổn định, nhưng dường như nỗi đau vẫn còn ngân vang, âm ỉ trong giai điệu, ca từ.
Bài hát được viết ở giọng thứ, mang lại cảm giác buồn mênh mang, day dứt như hồn thơ. Đặc biệt, khi thể hiện ca khúc Nhật Thủy đã đặt bản thân vào nhân vật, cảm nhận được hết sự chắt lọc qua từng câu chữ tác giả gửi gắm để có sự nhấn nhá, nhả chữ “đắc địa”, đơn cử như cụm từ “bản án chia ly”… qua đó đánh xoáy vào tâm can của người nghe. Bên cạnh đó, đạo diễn Dương Lan Hương lại để hình ảnh hiện tại, quá khứ đan xen nhau như một sự so sánh tạo hiệu ứng lan tỏa. Khung hình “đã từng hạnh phúc” và hiện thực đắng cay của “sự tan vỡ” được đặt trong thước phim càng khiến cho người xem suy ngẫm. Bao nhiêu giọt nước mắt của đứa trẻ trong MV rớt xuống là có bấy nhiêu trái tim thít chặt, đau nhói vì em.
Từ ý tứ của tác giả, người viết lại hy vọng, các cặp đôi trước khi đặt bút ký vào lá đơn ly hôn kịp một lần được nghe, được xem MV "Còn tình yêu ở lại". Nếu được đọc, được nghe, được thấy tôi đồ rằng họ sẽ không bỏ qua được xúc cảm giật mình, chạnh lòng, áy náy… và biết đâu đó họ sẽ đổi thay, họ lại có cách “hóa giải” để giữ lại một mái ấm gia đình trọn vẹn cho các con của mình.
Nhân duyên của con người thật ra rất diệu kỳ, có một số thứ ngỡ chỉ thoáng qua nhưng để lại cả đời nhung nhớ, có những thứ tưởng chừng sẽ là định mệnh của nhau hóa ra chỉ là tạm bợ mà thôi. Cuộc sống xô bồ có thể tàn nhẫn cướp đi nhiều thứ song không phải là tất cả, bởi cuộc sống dù có bĩ cực đến đâu thì tình yêu thương vẫn còn hiện hữu đâu đó ở mỗi con người.
"Còn tình yêu ở lại" là một bản ký sự bằng thơ, là món quà ý nghĩa cũng là tiếng lòng của tác giả - “một người con” của Tòa án muốn gửi đến mọi người. Lời thơ, giai điệu được cất lên chính là tiếng chuông cảnh tỉnh tâm hồn sự yêu thương tử tế trong mỗi con người, trong mỗi bậc làm cha làm mẹ. Có thể nói, sự kết hợp ngoạn mục giữa Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng- nhạc sĩ Hải Nam- ca sĩ Nhật Thủy và đạo diễn Dương Lan Hương đã làm nên một tác phẩm vô cùng ý nghĩa, có giá trị nội dung và nghệ thuật cao.
Nội dung: Trang Trần
Thiết kế: Mai Đỉnh