Tháng 7 Âm, một mùa Vu Lan nữa lại về, trái tim mỗi chúng ta lại không ngừng thổn thức với mùa báo ân báo hiếu của đạo làm con. Đi qua những con đường muôn màu sắc của những cánh hoa hồng, tâm hồn mỗi người đều hướng về hai đấng sinh thành dưỡng dục với những tình cảm chân thành và thiêng liêng nhất.
Bước ra từ nhà chùa, hòa vào chốn nhân gian, tất yếu lễ Vu Lan sẽ thay đổi theo hơi thở của thời đại và những tập tục bản địa khác nhau để tồn tại và phát triển. Nhưng tinh thần hiếu hạnh của ngày lễ sẽ trường tồn. Bởi công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ luôn là tình cảm thiêng liêng và quan trọng nhất.
Một đời cha mẹ nhọc nhằn, một hành trình đầy gian khó, chất chứa bao nỗi niềm, bao hy sinh thầm lặng. Từ những ngày con còn là một sinh linh bé nhỏ, mẹ cha đã bắt đầu gánh lên vai trọng trách to lớn. Đó là nuôi nấng, dưỡng dục con khôn lớn thành người. Hành trình ấy không bao giờ êm đềm, mà thường xuyên là những đoạn đường chông gai, thử thách.
Cha - người cầm cày trên những cánh đồng sớm hôm. Người lao động cật lực nơi công trường, công xưởng. Bàn tay cha chai sần vì năm tháng. Đôi vai cha còng xuống theo từng gánh nặng của cuộc đời. Mỗi bước chân đi, mỗi giọt mồ hôi rơi xuống, đều là để xây dựng một nền móng vững chắc cho gia đình, để các con có thể vững bước trên đường đời.
Mẹ - người phụ nữ dịu dàng mà mạnh mẽ. Người đã từng thức trắng nhiều đêm chăm sóc con, nhất là khi con ốm đau. Mẹ lo lắng cho từng bữa ăn, từng giấc ngủ, từng bộ quần áo, từng việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Đôi khi, mẹ phải hy sinh những ước mơ riêng, gác lại những niềm vui cá nhân, chỉ để đảm bảo rằng con có một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc. Mẹ như là dòng sông chảy mãi không ngừng, luôn tươi mát và dịu dàng, nhưng cũng đầy sức mạnh để đưa những con thuyền vượt qua sóng gió, bão dông.
Mẹ cha, hai con người với hai vai trò khác nhau nhưng chung một điểm đến – Đó là mong muốn cho con mình có một tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Từng tiếng cười, từng giọt nước mắt, từng lời nói và hành động của mẹ cha đều là những mảnh ghép quý giá tạo nên bức tranh tuổi thơ tươi đẹp của con.
Và khi lớn, sự hy sinh đó càng lớn lao bao nhiêu thì mọi thứ lại càng âm thầm bấy nhiêu. Đó là khi trả lời những cuộc gọi của con thông báo kỳ nộp học phí, nộp tiền nhà trọ hay tiền học thêm. Chỉ một vài câu hỏi han thoáng qua của mẹ của cha… Nhưng ngày hôm sau là tiền đã tự động tìm đến như rút ra sẵn từ cây ATM trước cổng trường.
“Mẹ ơi, hai hôm nữa là đến hạn nộp học phí của con rồi ạ.”
“Ừ… ừ mẹ biết rồi, đợi mẹ mấy hôm.”
Những câu hội hoại ai cũng thấy quen. Những câu nói nhẹ nhàng, đơn giản nhưng đằng sau đó lại ẩn chứa những sự thật khiến chúng ta đau đến thắt lòng. Đó là khi ta biết bố mẹ phải cật lực tăng ca mới có đủ tiền để đóng học phí; Phải bán non vài con lợn để gom đủ tiền; Phải xúc vài tải thóc mang ra chợ huyện bán để tranh thủ gửi tiền cho con. Có thứ để bán còn là niềm hạnh phúc. Nhiều gia đình, không còn đồ có giá trị thì sang nhà cô Lan, bác Huệ, ông Tám để vay tạm.
Ngày các con cầm tấm bằng cử nhân, tốt nghiệp đại học cũng là ngày mà lưng của cha mẹ đã còng xuống mỗi lúc một nhiều. Có thể nợ vẫn chưa trả hết. Nhà cũng chẳng còn gì ngoài hai thân già. Nhưng khi thấy nụ cười rạng ngời của con trên giảng đường, tất cả những vất vả đó đã tan biến từ lâu. Bởi họ hy vọng, con mình sẽ không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Có ai đo đếm được công lao đó. Có đồng tiền nào mua lại thanh xuân, sức khoẻ của cha mẹ. Nếu phải ví với điều gì đó cụ thể, công lao này như một dòng sông lớn, chảy mãi không ngừng, âm thầm và lặng lẽ. Nhưng lại là nguồn sống vô tận cho tất cả những nơi nó đi qua.
Khi trưởng thành, ai may mắn còn có bố mẹ thì lại phải sống xa họ để lo cơm áo, gạo tiền. Để đến khi mỗi lần gọi điện về nghe cha mẹ hỏi: “Thế bao giờ con mới về nhà được?”, “Các cháu có khoẻ không?” Phải lúc rảnh thì nói chuyện chừng chục phút. Khi đang bận thì đôi ba câu là muốn ngắt máy.
Rồi đến ngày nào đó, chợt nhận thấy những cuộc gọi ít đi. Khi mệt mỏi quay về, nhìn thấy bố mẹ ngày càng già mới bất giác thấy sợ, mới cảm thấy bất an. Đó là khi con nhận ra rằng đôi vai cha từng gánh vác cả gia đình giờ đã mệt mỏi. Đôi bàn tay cha từng ôm ấp, che chở giờ đã run rẩy. Đôi mắt mẹ từng sáng rực giờ đã nhuốm màu của năm tháng. Những nếp nhăn ngày càng hằn sâu trên khuôn mặt của cha và mẹ. Mái tóc đen dần chuyển sang màu bạc trắng. Từng bước chân cũng trở nên chậm lại, khó nhọc hơn.
Đó là lúc con xót xa khi biết rằng thời gian của cha mẹ không còn dài nữa. Và muộn màng nhận ra rằng: Ngày bé ai cũng đều muốn nhanh chóng trưởng thành để có thể đi khắp nơi nhưng khi lớn lên rồi chúng ta mới biết nhà chính là nơi bình yên nhất.
Khi còn bé, cha mẹ là những người luôn đứng trước, che chắn cho con khỏi những dông bão cuộc đời. Giờ già rồi, những gánh nặng này hãy để con gánh. Con không sợ mệt, không sợ vất vả. Bởi nó đã là gì với những hy sinh cha mẹ đã mang. Con chẳng sợ bão dông mà chỉ sợ khi quay lại chẳng còn ai để mình có thể lo lắng, chở che. Hãy để con ở bên cạnh cha mẹ, chăm lo cho cha mẹ từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Con luôn mong ngày nào cũng được nghe những câu chuyện của cha, những dòng thơ mẹ đọc. Dù bao nhiêu lần đi nữa, con vẫn xin được nghe.
Tuổi đã già, mẹ cũng chẳng nhớ nhiều chi tiết. Môi đã khô, cha cũng chẳng thể nói rõ từng từ. Nhưng hãy để con là khán giả chung thành nhất, là người luôn háo hức để được ngồi lên câu chuyện về tuổi thơ của cha mẹ. Để con tìm lại thanh xuân nơi mẹ đã bỏ bê. Cho con tìm lại giấc mơ nơi cha đã từng mang. Cho con níu giữ lại những khoảnh khắc mà cha mẹ đã từng khoẻ mạnh. Cho con xin vẽ lại những nụ cười này. Rồi một mai không còn cha mẹ nữa, nhưng con vẫn đủ ký ức để yêu thương.