CCHC giai đoạn 2021-2030: Cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử

Bình Nguyên| 27/11/2020 21:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 27/11, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách hành chính nhà nước giai đọan 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030”.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đồng chủ trì hội thảo.

Cần đánh giá hạn chế CCHC

Báo cáo tóm tắt tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng cho biết: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tích cực; việc tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá, xếp loại công tác CCHC, công bố kết quả Chỉ số CCHC; khảo sát, đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS)… là những nét nổi bật trong chỉ đạo, điều hành.

tttra-2-.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn 2021-2030, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ xác định mục tiêu đó lá: Đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại,c huyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã trao đổi, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện CCHC tại bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, dự thảo báo cáo cần đánh giá sâu và kỹ hơn kết quả thực hiện các nội dung theo Chương trình tổng thể, không chỉ dừng ở việc liệt kê những công việc đã làm mà cần phải phân tích, đánh giá đến kết quả tác động cuối cùng của những công việc đã làm.

Đối với phần hạn chế của mỗi nội dung CCHC, cần nêu những hạn chế của chính nội dung đó như về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức… để làm cơ sở cho đề xuất những nội dung CCHC nhà nước ở giai đoạn sau.

Bên cạnh đó, cần có tổng kết, đánh giá cụ thể và nhận xét các mô hình xuất hiện ở các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện. Cần kiểm tra kỹ kết quả chỉ số SIPAS, kết quả giá trị trung bình qua các năm đều đạt trên 80% là mức mục tiêu phấn đấu của Chương trình tổng thể, nhưng so với các kết quả đạt được với thực tế nền hành chính hiện nay ở nước ta có phù hợp không, nhất là về thủ tục hành chính, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh….

PSG.TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, kết quả CCHC thời gian qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên, thông qua kết quả đó cần phải có nhiều đổi mới trong giai đoạn sau. Kết quả CCHC nhà nước là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để kiến tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. CCHC nhà nước là để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, phục vụ đắc lực người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế cũng chính là để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Các hạn chế, bất cập và nguyên nhân của các hạn chế, bất cập trong CCHC là thách thức đối với tính bền vững và liên tục của CCHC và ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, CCHC cần phải đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và cải cách, đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam.

TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, nội dung căn bản của cải cách là thay đổi về chức năng. Nhà nước làm đúng chức năng quản lý nhà nước, doanh nghiệp làm đúng chức năng sản xuất, kinh doanh, tách quản lý nhà nước ra khỏi việc cung cấp dịch vụ công.

quangcanh-2-.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Về giải pháp trong dự thảo định hướng CCHC giai đoạn 2021-2030, trước hết là đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng, tiếp sau là cần một hệ thống hành pháp mạnh và sự minh bạch thông tin.

Đồng thời, cần bổ sung một đề án hoặc chương trình quốc gia về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương để địa phương có thẩm quyền quyết những vấn đề của địa phương. Bổ sung một đề án chuyển giao nhiệm vụ của nhà nước về dịch vụ công cho các doanh nghiệp và xã hội thực hiện nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài vào bộ máy nhà nước.

Tập trung đẩy mạnh chính phủ điện tử

Về nội dung cải cách thể chế, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng thể chế trong giai đoạn 2011-2020 là cụ thể hóa các nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, gắn kết với việc thực hiện chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… được xác định tại các nghị quyết của Đảng.

Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật nước ta được hoàn thiện một bước quan trọng, rất nhiều luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết trong các lĩnh vực về tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng…. được kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.

Mặc dù vậy, chất lượng một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao; vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh. Trong một số trường hợp, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật vẫn còn chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý nhà nước; một số bất cập của pháp luật được phát hiện nhưng chậm sửa đổi, bổ sung…

img_3785-2-.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc

Do đó, trong giai đoạn 2021-2030, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm các cơ quan trọng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức không phù hợp; bảo đảm tính đồng bộ, kế thừa những thành quả, kinh nghiệm đã đạt được, phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị nước ta…

Về cải cách TTHC, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc thực thi đơn giản hóa TTHC từ năm 2011 đến nay đã được các ngành, các cấp tích cực thực hiện. Tính đến hết tháng 12/2016, đã đơn giản hóa 4.527/4.723 TTHC do Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề, đạt 95,8%...

Qua 10 năm triển khai thực hiện cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa liên thông và quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc kiểm soát quy định về TTHC ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thể chế. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới.

Tuy nhiên, TTHC, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, thậm chí “cài cắm”, “biến tướng”, phát sinh thêm. Do đó, trong giai đoạn tới, cần chuyển trọng tâm từ xây dựng thể chế sang hoàn thiện thể chế, tập trung đẩy mạnh cải cách việc giải quyết TTHC và gắn kết cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện Báo cáo tổng kết để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết sách về CCHC hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CCHC giai đoạn 2021-2030: Cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử