Tuy gốc chính của cây đã chết vì quá già nhưng cây đa vẫn xanh tốt và có tuổi đời lên đến gần 500 năm.
Cây đa cổ thụ nằm trong khuôn viên của đình làng Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Theo các tài liệu ghi lại, cây đa được trồng năm 1540 vốn được dân làng bảo vệ và tôn thờ là một cây đa rất kỳ lạ, tán cây xum xuê che khắp một vùng. Cây có 3 gốc, phần gốc chính trải qua thời gian đã chết chỉ còn lại phần thân lơ lửng, nhưng cây vẫn xanh tốt nhờ những rễ phụ phát triển mà thành 2 gốc vững chãi chống đỡ toàn bộ sức nặng, nuôi dưỡng cây.
Ba gốc của cây đa cổ thụ vững chãi như những thế hệ trong cùng một gia đình nương tựa vào nhau mà vươn cao xanh tốt. Những chiếc lá cây đa này cũng có sự khác biệt, theo các cụ già trong làng lá cây tự thay đổi màu sắc trong 4 mùa của một năm.
Đến với Bắc Sơn, Lạng Sơn nhiều người không khỏi bất ngờ bởi cây đa cổ thụ tại khu vực sân đình làng xã Quỳnh Sơn
Người dân nơi đây không ai biết chính xác cây đa bao nhiêu tuổi, có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ từ khi sinh ra đã thấy một cây đa có thân to, bóng lớn. Theo nhiều tài liệu để lại thì cây đa này được trồng từ năm 1540. Đây là cây đa cổ thụ duy nhất còn sót lại trong huyện Bắc Sơn
Vỏ cây sần sùi, bạc màu, một số chỗ rêu xanh, rêu đỏ thể hiện sự già nua
Điểm đặc biệt ở cây đa này là gốc chính của cây tuy đã chết nhưng cây vẫn tiếp tục sống và được nuôi dưỡng bởi 2 chùm rễ phụ
Phần thân của gốc cây chính đã bị chết và mục ruỗng...
....treo lơ lửng trên không và được cố định bởi các tán, nhánh mọc ra xung quanh
Cây đa là cây cổ thụ đã gắn bó, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Cũng vì cây đa gắn liền với đình làng linh thiêng nên mọi người không ai dám xâm phạm đến cây
Theo ông Dương Doãn Chu - một người sống lâu năm tại làng cho biết: "Cây đa này là cây được trồng trước sân đình làng Quỳnh Sơn. Trong các nghi lễ truyền thống của làng, kiệu của đình làng này phải được rước ra đầu tiên và những phu khiêng kiệu phải rước quanh khu vực cây đa"
Với diện tích tỏa bóng mát rộng lớn, khoảng không gian dưới bóng cây là nơi để người dân ngồi nghỉ ngơi trong những buổi trưa hè nắng nóng, khi đi làm đồng, là chỗ vui chơi của nhiều trẻ em, cụ già trong làng.