Những năm gần đây, người dân thường mua cây có 5 thứ quả về chơi tết, thế nhưng câu chuyện về người đầu tiên ghép thành công một cây có 5 thứ quả thì không phải ai cũng biết.
Sự sáng tạo của lão nông
Có mặt ở nhà ông Nguyễn Đăng Vừa (SN 1954) ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội vào một chiều cuối năm, khi ấy ông đang tất bật chở cây giống đi giao cho các nhà vườn.
Ông bảo, hàng ngày ông bận từ sáng sớm cho tới chiều muộn, chẳng là nhà ông chỉ có hai vợ chồng trong khi công việc bộn bề, ngoài 3 sào vườn với trên 50 gốc bưởi đang chính vụ chưa kể chanh đào, cây cảnh, vợ chồng ông còn làm cây giống nên không lúc nào chân tay, đất đai được nghỉ ngơi.
Ông Nguyễn Đăng Vừa là người đầu tiên ghép thành công 5 loại quả trên một cây
Đó cũng chính là lý do vì sao vào năm 2002, khi ghép thành công 5 loại quả trên một cây, ông không tính chuyện làm đại trà mà mỗi năm chỉ ghép trên dưới chục cây để nhà chơi tết và biếu anh em họ hàng, bởi để ghép được 5 loại quả trên một cây cần rất nhiều công chăm sóc, kỹ thuật.
Muốn có được một cây 5 loại quả để chơi tết, ông Vừa phải tiến hành làm hoa các loại cây vào các tháng khác nhau trong năm, làm sao để quả chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
5 loại quả ông thường ghép với nhau là cam, quýt, chanh, phật thủ và bưởi chính là cây ông chọn để gửi 4 loại quả trên. Theo như ông Vừa giải thích thì cây bưởi khỏe, đẹp, dễ thích nghi và có nhiều chỗ trống để ghép cành, quả.
Ông Vừa cho biết, thời điểm ông ghép thành công 5 loại quả trên một cây, ấy là khi ông đã có 11 năm kinh nghiệm làm vườn. Ông nghĩ, nếu tạo ra một cây có 5 thứ quả để chơi tết thì thật tuyệt, nghĩ là làm, ông bắt tay vào mày mò nghiên cứu và rồi một cây có 5 thứ quả được tạo nên dưới con mắt tò mò xem lẫn sự ngạc nhiên của mọi người.
“Khi tôi mang cây ra đình làng trưng bày thì nhiều người xúm đến sờ, và hỏi đây là cây thật hay giả, tôi có nói với họ là quả tôi đem gửi vào cây bưởi mà tôi gửi thì gửi cây sống chứ không gửi cây chết”, ông Vừa nhớ lại.
Hồi đó, ở miền Bắc duy nhất chỉ có ông Vừa là ghép được 5 thứ quả trên một cây, tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến ông học, nhưng về sau ít người theo học được, nếu có học được thì tỉ lệ đậu quả trên cây ghép là không cao.
Sau nhiều năm ghép, ông rút ra kinh nghiệm, ghép trực tiếp quả dễ hơn ghép cành. Nhưng, cũng chính cái khó của việc ghép cành lại tạo ra nét độc đáo riêng biệt, đó chính là người chơi cây sẽ được thưởng hoa của 5 loại cây trên một cây, sau đó là quả.
Ông Vừa cho biết, để chơi được 5 loại hoa trên một cây như ông đang làm hiện nay thì không phải ai cũng làm được.
"Kỹ sư chân đất"
Xuất phát từ một người buôn hoa quả rồi lăn xả với nghề làm vườn, sau 21 năm, người ta gọi ông Vừa là "kỹ sư chân đất" hay lão "phù thủy" nông dân. Dù không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào nhưng bằng kinh nghiệm của mình, ông nắm trong lòng bàn tay tất cả thuộc tính của từng loại cây mình đã từng trồng.
Chính vì thế khi mang cây giống đi bán, chủ vườn tin tưởng nhờ ông làm “cố vấn” kỹ thuật kể từ khi bắt đầu trồng cây cho tới lúc thu hoạch.
Vườn bưởi sai trĩu quả nhà ông Vừa
Cứ nhìn vào vườn bưởi, chanh đào trong nhà ông cũng đủ biết, ông “say” với nghề làm vườn này như thế nào. Với hơn 50 gốc bưởi, hàng năm cho thu hoạch tới 2.500 quả, ước tính giá trị lên tới 70 triệu đồng.
Nhớ lại thời điểm năm 2001, khi đó ông còn đang mê mẩn với vườn cam đường canh, chỉ với diện tích 3 sào, cho thu hoạch tới 10 tấn cam, năm đó ông bỏ túi hơn 200 triệu.
Thấy ông làm ăn khấm khá người dân trong làng rồi người ở tận các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương xuống nhà ông học nghề làm vườn. Ông Vừa bảo, năm 2001, trước cửa nhà tôi lúc nào cũng có hơn mấy chục chiếc xe của người đến học nghề.
Ông Vừa nói rằng, để có được một vườn cam, bưởi mỹ mãn đòi hỏi người làm vườn trước tiên là phải chăm chỉ sau đó thì bón đều tay nước, thức ăn và thuốc trị bệnh, chỉ cần thiếu một trong các yếu tố đó thì cây phát triển không đều, quả không sai, mã không đẹp.
Cách đây mấy năm về trước, vườn cam đẹp như tranh vẽ nhà ông bị sần sùi ở vỏ, sốt ruột hàng ngày ông Vừa cứ ăn rồi ra vườn quan sát, nhưng không phát hiện được cam bị bệnh gì, cuối cùng, ông lấy tay cạy vỏ cam ra thì phát hiện cam bị bệnh nấm. Ông mua thuốc về phun nhưng cây cam vẫn không biến chuyển, sau đó, ông pha nước vôi loãng phun lên cây thì cây cam khỏi bệnh.
Ông Vừa rút ra kinh nghiệm, không phải loại bệnh nào dùng thuốc cũng khỏi, có khi chỉ cần dùng một ít nước vôi pha loãng cũng chữa khỏi bệnh cho cây.
Từ những kinh nghiệm của mình được đúc kết trong nhiều năm, ông Vừa soạn hẳn một cuốn sách dạy bà con những kinh nghiệm trồng, chăm sóc và cách phòng chữa bệnh cho các loại cây ăn quả với tựa đề “Đồng hành cùng bạn làm nên sự nghiệp”.
Năm 2009, khi phát hiện cây cam đã chán đất, ông Vừa chuyển sang trồng bưởi, năm nào vườn bưởi nhà ông cũng bội thu. Hằng năm, cứ trước tết khoảng 2 tháng, các thương lái tranh nhau đến tận vườn nhà ông đặt hàng.