Nữ bệnh nhân 62 tuổi ở Sóc Trăng bị khối u tim to như quả trứng gà vừa được các bác sĩ ở Cần Thơ cứu sống sau ca mổ tim cấp cứu kéo dài 2h30 phút.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, êkíp phẫu thuật tim của bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật tim cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân có khối u to trong tim với nguy cơ đột tử rất cao.
Bệnh nhân là bà Phan Thị T. (62 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) nhập viện do đột ngột bị ngất khi thay đổi tư thế. Trước đó, bệnh nhân thường xuyên bị mệt, khó thở, nặng ngực trái. Tình trạng này ngày càng tăng, đặc biệt khó thở nhiều về đêm.
Kết quả siêu âm tim cấp cứu cho thấy, bệnh nhân có khối u to ở buồng nhĩ trái, khối u di động gây lấp lỗ van hai lá. Cực trên của khối u có dấu hiệu dọa vỡ. Van ba lá hở trung bình, tăng áp động mạch phổi trung bình, suy tim độ III.
Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và chuẩn bị xuất viện.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực; chụp động mạch vành cấp cứu đánh giá hệ thống mạch vành nuôi tim; chụp CT Scan ngực- bụng có cản quang để đánh giá nguồn gốc khối u tim và làm các xét nghiệm huyết học, sinh hóa và hội chẩn hội đồng chuyên môn tim mạch của bệnh viện. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật tim cấp cứu vì nguy cơ đột tử do khối u lấp hoàn toàn van hai lá; nguy cơ lấp mạch cơ quan ngoại vi do khối u vỡ.
Sau 2h30 phút, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy trọn khối u nhầy có kích thước to như quả trứng vịt, tái tạo vách liên nhĩ bằng màng tim; sửa van ba lá. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ cũng phát hiện, cực trên khối u bở, có dấu hiệu dọa vỡ.
Hiện tại, bệnh nhân hồi phục tốt, đã tự đi lại, sinh hoạt, ăn uống bình thường. Sau mổ, bệnh nhân cần được tái khám định kỳ và siêu âm tim hàng năm để phát hiện u tái phát.
Theo BS Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm tim mạch, u nhầy là u thường gặp nhất trong các u nguyên phát của tim, thường là u lành tính. Tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân nói chung rất ít từ 0,3 - 0,5/1000 dân. U nhầy gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 30 - 50, hiếm gặp ở trẻ em và người già, tuy vậy cũng gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Khoảng 75% u nhầy ở tim là đơn độc, dính vào vách liên nhĩ gần lỗ bầu dục. U nhầy phát triển trên bề mặt của lớp nội mạc của bất kỳ buồng tim nào nhưng hay gặp nhất là ở nhĩ trái.
Tuy là u lành tính nhưng hậu quả gây ra về mặt huyết động học thường rất nặng, cần phải điều trị ngay, nếu chậm trễ có thể gây tử vong.