Cao thủ chữa rắn cắn ở xứ Mường

Việt Văn| 15/10/2014 13:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dùng tay không bắt rắn, tự điều tiết nghiên cứu nọc rắn tại gia, thử nghiệm nọc độc rắn trên gà, thỏ. Gần 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Tẻo, 68 tuổi ở Hòa Bình đã giành lại sự sống cho hàng trăm người bị rắn độc cắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Nghề cha truyền con nối

Đến phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình hỏi về ông Tẻo chữa rắn cắn không ai là không biết. Người dân nơi đây cho hay, những bệnh nhân bị rắn độc cắn thay vì đi bệnh viện, họ lại tìm đến nhà ông để xin được chữa bệnh. Thuốc của ông hiệu nghiệm lắm, ca nào bị rắn cắn, dù nặng hay nhẹ, ông đều chữa thành công.

Chúng tôi đến nhà ông Tẻo đúng lúc ông đang cấp cứu một bệnh nhân bị rắn độc cắn. Trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà, phải mất gần 30 phút bắt mạch, quan sát vết cắn và hỏi thăm tình trạng của người bệnh, ông Tẻo lấy đồ nghề để  “ép” chất độc cho người bệnh.

Theo quan sát của chúng tôi, ông Tẻo dùng một chiếc chậu nhựa màu vàng, một lưỡi lam, bông gòn cùng thuốc bày sẵn trên kệ. Tay trái ông nắm chặt tay bệnh nhân, tay phải dùng lưỡi lam rạch theo đường rắn cắn trên ngón tay trỏ sau đó bóp một lượng máu ra ngoài, thao tác bóp máu được ông làm đến hai lần, sau đó ông đắp lên vết cắn một loại lá thuốc mà theo ông Tẻo là có thể kháng độc.

Cao thủ chữa rắn cắn ở xứ Mường

 Ông Nguyễn Văn Tẻo kể lần bị rắn và bài thuốc gia truyền trong việc chữa nọc độc rắn        

Được biết, bệnh nhân là anh Đinh Văn Trí (44 tuổi) ở Tân Lạc, Hòa Bình. Trong khi cho rắn ăn bất ngờ bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay trỏ. Do là người có kinh nghiệm trong việc nuôi rắn, ngay sau khi bị cắn, anh đã dùng băng buộc chặt cách vết cắn khoảng 20 cm và ngay lập tức tìm đến nhà thầy Tẻo để xin thuốc.

Trò chuyện với chúng tôi, người nhà anh Trí cho biết, trước đó, khoảng tháng 9/2013 anh Trí cũng một lần bị rắn cắn, may nhờ có thuốc của thầy Tẻo nên may mắn thoát chết.

Nói về bài thuốc chữa rắn cắn, ông Tẻo không giấu giếm: “Cha tôi là cụ Nguyễn Văn Lập, là người lưu giữ được bài thuốc gia truyền trong việc chữa rắn độc cắn”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề thuốc, ông Tẻo đã học hỏi được những bí quyết và kinh nghiệm trong việc chữa cho người bệnh bị rắn cắn.

Thuở nhỏ, ông Tẻo thường theo cha lên các cánh rừng của Hòa Bình để săn rắn và tìm những loại thảo dược quý hiếm về làm thuốc.

Ông bảo, những năm 1974, rắn trong rừng rất nhiều, một ngày bắt được vài kilogam rắn là chuyện bình thường.

Một lần, gia đình ông có khách quý tới thăm, ông Tẻo vào bắt rắn để đãi khách, do bất cẩn ông bị rắn cắn vào tay. Vết cắn tuy không sâu nhưng khiến ông, đau buốt, sưng tấy. Thay vì đưa con đi bệnh viện cấp cứu cha ông lại có một cách xử lý rất bình tĩnh.

Ông kể: “Cha tôi đã dùng một con dao lam, rạch theo vết rắn cắn cho máu rỉ ra sau đó đắp một loại thuốc lá. Sau khoảng 3 tiếng, cảm giác đau nhức tan biến, thay vào đó, ngón tay bị rắn cắn của ông lại hoạt động bình thường”.  

Từ đó, ông mới biết cha mình có bài thuốc chữa rắn cắn và chăm chú học. Sau khi người cha qua đời, ông Tẻo được truyền thụ lại bài thuốc gia truyền để phòng và cứu người lúc nguy nan.

Chia sẻ về bài thuốc quý hiếm, ông Tẻo thẳng thắn: “Làm nghề này không đơn giản, không phải ai cũng biết cách làm, đặc biệt pháp luật không bảo hộ. Nếu chữa cho người ta không bảo đảm thì bệnh nhân có thể bị tai biến, lương tâm mình cũng không được thanh thản”.

Điều tiết nọc rắn tại gia

Gần 70 tuổi đời, ông Tẻo có thâm niên 30 năm tiếp xúc với các loại rắn độc và giành lại sự sống cho nhiều người từ lưỡi hái tử thần. Để có được phương pháp chế ra bài thuốc chữa rắn cắn hữu hiệu, ông Tẻo đã bỏ nhiều thời gian, nghiên cứu về các loại rắn độc.

Ông tâm sự: “Trước đây, ngày nào cũng lên rừng bẫy rắn, nghề bẫy rắn cũng theo mùa vụ, có ngày được vài con, nhưng cũng có ngày phải về tay không”.

Các loại rắn ông bẫy được ngoài rắn nước còn có rắn hổ mang phì. Bắt rắn về nhà, những con nào to, ông đem ra xẻ thịt, những con nhỏ ông giữ lại nuôi đến khi trưởng thành.

Cao thủ chữa rắn cắn ở xứ Mường

          Căn phòng được ông nuôi nhốt rắn để nghiên cứu độc tố của từng loài

Điều đặc biệt, ông Tẻo bẫy rắn về cũng không phải để bán mà nuôi nhốt ngay trong chính ngôi nhà của mình. Cứ mỗi tháng một lần, ông lại bắt từng con rắn ép lấy độc vào bông gòn để tiến hành việc nghiên cứu. “Phải thử nghiệm các loại nọc đôc của rắn nhằm áp dụng cho từng bài thuốc của mình, Tôi dùng nọc rắn thí nghiệm trên gà và thỏ, sau đó triết lại tự chữa cho các vật nuôi trong nhà. Làm vậy mới có thể phân biệt được loại nào là độc, loại nào không có độc, và loại nào là kịch độc.” ông nói.

Để chứng minh mình không nói đùa, ông Tẻo dẫn chúng tôi vào một căn phòng riêng biệt. Ông bảo hiện tại đang nuôi 30 con rắn độc để thử nghiệm các loại độc tố. Tại đây, ông đã dùng tay không bắt những con rắn hổ mang phì mà không cần một vật dụng bảo hộ nào.

Ông cho hay, nhiều lần bị rắn độc cắn vào tay, nhưng nhờ có bài thuốc gia truyền nên ông không còn cảm thấy sợ mỗi khi bắt rắn. Có người bị rắn cắn đến nhà, việc trước tiên phải quan sát vết cắn để xác định đó là loại rắn nào, độc hay không độc từ đó làm căn cứ đề điều trị.

Ông Tẻo chia sẻ thêm, mỗi loại rắn có một độc tố khác nhau, được chữa bằng loại thuốc khác nhau. Loại hay cắn người nhất tập trung vào rắn hổ chúa và rắn hổ mang. Loại rắn này có nanh dài, khi cắn thường để lại những vết cắn sâu. Còn loại cắn chỉ gây ra vết xước, là rắn cạp nong, cạp nia, đây cũng là một loại rắn cực kỳ nguy hiểm, nếu không biết cách người bệnh có thể mất mạng như chơi trước khi đến bệnh viện. Nhiều trường hợp người dân đi làm nương, làm rẫy bị rắn cắn, có người cấp cứu kịp thời may mắn được sống sót, nhưng cũng có người bỏ mạng giữa đường mà chưa kịp đến bệnh viện.

"Biết nghề mà không cứu là có tội"

Nhờ bài thuốc gia truyền, hơn 30 năm qua, ông Tẻo đã âm thầm giúp cho hàng trăm người bị rắn độc cắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Cao thủ chữa rắn cắn ở xứ Mường

                  Ông Tẻo đang cấp cứu cho một bệnh nhân bị rắn cắn 

Ông bật mí, thuốc trị độc rắn là những loại lá cây và rễ cây mọc trong rừng. Sau khi hái về, lá rễ của loại cây này được phơi khô và triết xuất dưới dạng nước để cho người bệnh uống. Với những người bị rắn phì đen, hay hổ mang đen hoặc còn gọi là hổ mang phì được nuôi nhiều nhất ở xã Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội), thì lại có phương pháp điều trị riêng. Đó là những lá cây bèo cái, và rễ bèo tây kết hợp củ ráy. Những loại này phơi khô, cạo vỏ rửa sạch lại là những thứ thuốc có tác dụng cực kỳ tốt trong chữa nọc độc rắn.

Giải thích về loại điều này ông cho biết, rễ bèo cái sống bám vào bùn rất mát, lá bèo cái sống trong môi trường nước, củ ráy rất ngứa, khi kết hợp 3 loại này triết xuất cùng với vài thủ thuật có thể kháng được độc rắn. 

Ông kể, có một cụ ông 70 tuổi, ở Tân Lạc, Hòa Bình thò tay vào chuồng gà vô tình bị rắn cắn vào ngón áp út. May con ông cụ đã dùng dây buộc lại, khi đến nơi được ông chữa trị trong vòng hai tiếng, vết sưng tấy đã không còn.

Một lần chữa cho một người là Cảnh sát giao thông tên Thắng ở huyện Cao Phong. Trong lúc đi vệ sinh anh Thắng bị rắn cắn vào bắp chân trái. Khi được chữa khỏi, anh Thắng biếu ông một khoản tiền hậu hĩnh nhưng ông Tẻo nhất quyết từ chối không nhận. Sau này anh tự nhận ông là cha nuôi, thi thoảng lại trở lại ghé thăm ngôi nhà của ông.

“Hiện nay chữa rắn cắn chỉ có mỗi Bệnh viện Bạch Mai là đúng chuyên khoa, các bệnh viện khác không chữa được các loại độc tố của rắn. Người thầy thuốc cần nhất ở cái tâm, mình biết nghề mà không cứu người là có tội với lương tâm”. Ông Tẻo cho biết.


Chị Nguyễn Thị Đào, Trạm trưởng trạm y tế phường Thái Bình cho biết: “Ông Tẻo duy trì bài thuốc chữa rắn cắn gia truyền từ người cha truyền lại đã nhiều năm nay. Ở địa phương ông cũng đã chữa cho nhiều người bị rắn cắn và không để lại tai biến gì. Ông Tẻo không vào Hội y học dân tộc cổ truyền của phường mà chỉ chữa cho người dân một cách tự nguyện”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao thủ chữa rắn cắn ở xứ Mường