Cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Mai Thoa| 08/11/2016 21:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Các ĐB đều thống nhất với quan điểm khi xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần thiết sửa đổi luật này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Ngành kinh tế trọng điểm

Theo đánh giá chung của Chính phủ, qua hơn mười năm thực hiện Luật Du lịch, tình hình kinh tế, xã hội nước ta cũng như tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Luật Du lịch đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư lớn vào một số khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, một số nội dung quy định trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế. Nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật Du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chính phủ cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên việc xây dựng và ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) trong đó có việc xác lập rõ vai trò trung tâm, động lực của doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, những yếu tố cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động cần được loại bỏ, tạo hành lang pháp lý thực sự thông thoáng để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước xây dựng thể chế, chính sách, môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, trong khi đây là ngành kinh tế rất quan trọng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) nhận định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính dự báo hướng tới 10 – 20 năm tới nên luật phải có tác động hướng tới dự báo sẽ phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Đó là việc cần cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Đại biểu Phạm Quang Thanh phát biểu

Liên quan đến quy định về hướng dẫn viên du lịch, trước thực tế có tình trạng người nước ngoài sang du lịch Việt Nam, sau đó ở lại hành nghề hướng dẫn viên du lịch, không kiểm soát được những thông tin họ trao đổi với du khách; những doanh nghiệp nhỏ trong nước sẵn sàng bán thương hiệu của mình để các doanh nghiệp nước ngoài núp bóng hoạt động, các đại biểu thống nhất quan điểm người Việt Nam mới được xem xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam nếu đủ các điều kiện theo quy định, người nước ngoài không được hoạt động du lịch tại Việt Nam. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ điều cần được quan tâm là đạo đức hướng dẫn viên. Bởi, trong thực tế, đạo đức của nhiều hướng dẫn viên chưa tốt, từ việc sử dụng bằng cấp giả để được cấp thẻ hướng dẫn viên, đưa khách đi không thực hiện hết nghĩa vụ của mình đối với khách, không phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh… Nhiều hướng dẫn viên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài núp bóng hoạt động du lịch tại Việt Nam.

Tạo cơ chế thông thoáng

Về điều kiện kinh doanh lữ hành quy định tại Điều 32 dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng hoạt động kinh doanh lữ hành là một dạng kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia nhưng những quy định trong dự thảo còn khá mở và đơn giản. Người hoạt động kinh doanh lữ hành phải am hiểu về hoạt động lữ hành, hiểu tính chất hoạt động du lịch và phải có kiến thức pháp luật, kiến thức xử lý các tình huống có liên quan, phải được đào tạo. Thêm vào đó, người hoạt động kinh doanh lữ hành phải có vốn, có nguồn nhân lực, tức là buộc phải có hướng dẫn viên.

Đồng tình với việc sửa đổi luật này, nhưng đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) cho rằng nên giữ nguyên qui định về kinh doanh lữ hành như cũ. Theo ông Thanh, giữa hoạt động của các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, cần đảm bảo công bằng và kinh doanh lành mạnh. Vì việc cấp sao, cấp số cho các cơ sở lưu trú hơi mở quá, ngay cả các cơ sở lưu trú cũng phản ánh về vấn đề này. Mở để cho các cơ sở chủ động nhưng cơ sở 3, 4, 5 sao đầu tư phải khác nhau, giá phải khác nhau. Nên giao Tổng cục Du lịch thẩm định, rồi mấy năm định kỳ phải kiểm tra, nếu không đáp ứng được thì rút hoặc hạ sao xuống, ông Thanh góp ý.

 Nhìn nhận chất lượng hướng dẫn viên Việt Nam hiện nay không đồng đều, tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên ở một số khu vực vào một số mùa cao điểm là có đồng thời khẳng định hướng dẫn viên quyết định đến 60 – 70% thành công của các tour, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng nếu các công ty thành lập ra, nhận tour, nhưng không có hướng dẫn viên, khi phục vụ cho khách lại ký hợp đồng với một hướng dẫn viên bất kỳ, không phải hướng dẫn viên cơ hữu sẽ dẫn đến nguy cơ khách không được phục vụ tốt. “Nếu giữ như dự thảo luật thì ai cũng có thể mở được doanh nghiệp lữ hành, miễn là có tiền, làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh lữ hành ở nước ta. Có nhiều vấn đề liên quan đến lữ hành mà chưa xử lý được một cách rốt ráo, hiệu quả, như người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để hoạt động du lịch tại Việt Nam, hay tình trạng nhái các thương hiệu đang diễn ra. Vì vậy nên quy định các điều kiện kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ hơn, đảm bảo các hoạt động này được kiểm soát”, đại biểu Tuyết đề nghị.

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm, đó là quy định về điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết băn khoăn với quy định khu du lịch quốc gia phải có 1000 ha và đón 500.000 lượt khách/năm và cho rằng không có cơ sở để xây dựng tiêu chí này. Theo đại biểu, những khu vực đặc sắc, có giá trị cao về văn hóa, bảo tồn, thiên nhiên mà ở đó cần được lưu giữ, khai thác và phát huy một cách bền vững, làm tăng thêm giá trị của các kỳ quan, công trình đó thì Nhà nước nên công nhận và xây dựng thành khu du lịch quốc gia.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ để giúp ngành du lịch phát triển nhanh hơn.

Ý kiến bên lề:

Tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke để rà soát là cần thiết

Mới đây có thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đang cân nhắc ra chỉ thị dừng toàn bộ hoạt động karaoke từ nay đến 31/12, để rà soát các tiêu chí về hoạt động kinh doanh. Bên lề kỳ họp, Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa ông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đang dự kiến tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn, quan điểm của ông về chủ trương này như thế nào?

ĐB Nguyễn Văn Chiến: Tôi cho rằng quan điểm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc tạm dừng kinh doanh của các cơ sở karaoke trên địa bàn Hà Nội nhằm mục đích tổng rà soát các điều kiện, tiêu chí để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân là cần thiết.

Cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật đúng là do yếu kém trong quản lý của các cơ quan chức năng, dẫn đến các cơ sở karaoke tự thiết kế bảng biển, bố trí phòng ốc… đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của họ nhưng lại không đảm bảo qui định. Qua một thời gian tồn tại, đã phát sinh các bất cập, lộ ra những vi phạm, gây hậu quả nguy hại đến an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và của chính cơ sở kinh doanh, nên việc tạm dừng để rà soát lại trước thực trạng này là cần thiết. Điều này còn tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi sử dụng dịch vụ karaoke.

PV: Có ý kiến cho rằng như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, quyền về công ăn việc làm của người lao động?

ĐB Nguyễn Văn Chiến: Nếu buộc tạm dừng vì lý do không phù hợp, không thỏa đáng thì đúng là gây ảnh hưởng đến các qui định về quyền tự do kinh doanh, công ăn việc làm. Nhưng với thực trạng, tình hình hiện nay, qua rà soát, nếu các cơ sở kinh doanh bảo đảm, đáp ứng các tiêu chí thì lại tạo điều kiện cho họ hoạt động bình thường.

Nhiều người cũng băn khoăn về vấn đề này nên tôi cho rằng cần lắng nghe ý kiến của người dân và chủ các cơ sở kinh doanh, chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, nhanh chóng xem xét, thẩm định có kết luận để trình lãnh đạo quyết định. Như thế sẽ đáp ứng cả yêu cầu quản lý nhà nước cũng như sự hợp tác, đồng thuận của người dân và chủ kinh doanh.

PV: Vậy việc dừng hoạt động kinh doanh của những cơ sở này có trái luật không thưa ông?

ĐB Nguyễn Văn Chiến: Việc chấn chỉnh lại để cơ sở kinh doanh tuân thủ qui định của pháp luật, hoạt động này không trái luật, dù đúng là có ảnh hưởng tạm thời đến hoạt động kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động. Nhưng thực tiễn cho thấy, nếu vẫn để hoạt động kinh doanh không đủ điều kiện thì sẽ tiếp tục xảy ra những hậu quả, thiệt hại tính mạng, tài sản như vậy thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến các vấn đề lớn hơn.

Đây là  một biện pháp quản lý nhà nước, nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh, tài sản, tính mạng của chính cơ sở kinh doanh. Phải nhìn ở góc độ tích cực như vậy. Tôi nghĩ là các doanh nghiệp nên ủng hộ chủ trương này.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn