Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ- CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó đã quy định nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Báo Công lý nhận được đơn kêu cứu của các ông Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt là những thành viên góp vốn của Công ty TNHH Tân Tiến (Công ty Tân Tiến), trụ sở tại số 29 Nguyễn Thị Minh Khai, KV3, PIV, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang phản ánh ngày 27/12/2011, Công ty Tân Tiến ký hợp đồng thi công với công ty TNHH MTV Nông Thủy Sản Tây Nam về việc thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị tại cụm Công nghiệp chế biến Nông thủy sản Tây Nam tại xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Đến cuối quý IV/2014 Công ty Tân Tiến đã thi công, bàn giao đất, công trình và một phần thiết bị máy móc với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng cho chủ đầu tư. Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ thì cuối quý I/2015, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Nông Thủy Sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) yêu cầu dừng toàn bộ dự án.
Đơn kêu cứu của ông Phạm Tường Thi
Trước đó, ngày 13/1/2015, ông Thi nhận được Giấy mời số 60 của Phòng An ninh điều tra (PA92), Công an TP Cần Thơ và liên tiếp các ngày 15, 16, 19/1; 2/2/2015, ông được mời đến làm việc với nội dung: “Trình bày về việc kí hợp đồng mua máy móc, thiết bị, xây dựng cụm nhà máy nông, thủy sản Tây Nam”.
Nhận được Giấy mời, ông Thi đã đến làm việc theo tinh thần hợp tác. Tuy nhiên, sau đó các ngày 28, 29/1/2016; 15, 17, 18, 19/2/2016 ông Thi tiếp tục nhận được Giấy triệu tập có cùng nội dung “Trình bày về việc kí hợp đồng mua máy móc, thiết bị, xây dựng cụm nhà máy nông, thủy sản Tây Nam”, mặc dù những nội dung này ông đã trình bày một năm trước đó.
Ngoài ông Thi được mời và bị triệu tập làm việc, thành viên góp vốn là ông Đạt và nhiều nhân viên của Công ty cũng bị triệu tập đến để điều tra về Công ty Tân Tiến. Các đối tác đang tham gia thi công cho Công ty Tân Tiến cũng bị mời đến làm việc liên tục.
Ông Thi cho biết: “Nội dung ghi trong giấy mời và giấy triệu tập là làm việc về hợp đồng mua máy móc, thiết bị xây dựng cụm nhà máy nông, thủy sản Tây Nam, nhưng cán bộ điều tra lại chỉ đi sâu hỏi về tài sản vốn góp vào công ty, tiền ở đâu mà có? Hỏi về nhân thân gia đình; việc chuyển tiền, rút tiền, đưa tiền cho ai?...”
Ông Thi bức xúc: “Tôi thật sự không hiểu được vì sao họ gọi tôi lên làm việc về Hợp đồng số 01/2011/HĐ.XI kí ngày 27/12/2011 giữa Công ty Tây Nam và công ty tôi, nhưng lại hỏi về tài sản của tôi và gia đình tôi? Đặc biệt, ngày 9/3/2016, Công an TP Cần Thơ đến cơ quan vợ tôi làm việc để gửi giấy triệu tập tôi, ép vợ tôi kí nhận trước mặt Trưởng phòng và các đồng nghiệp của vợ tôi.
Vào dịp Tết Nguyên đán 2016, tôi có chuyến công tác nước ngoài, khi làm thủ tục tôi mới biết mình đã bị cấm xuất cảnh. Sau đó, tôi đến làm việc theo giấy triệu tập, có hỏi Đội trưởng điều tra vì sao cấm tôi xuất cảnh mà không có văn bản thông báo cho tôi thì được trả lời, đây là việc điều tra bí mật, nên tôi không được nhận thông báo cấm xuất cảnh”.
Trình bày trong đơn, ông Thi, ông Đạt cho biết, do bị điều tra thời gian dài (từ ngày 13/1/2015 đến nay) mà không rõ lí do, khiến nhân viên không hiểu Công ty đang bị điều tra gì, nên hoảng sợ lần lượt nghỉ việc, đến nay đã nghỉ gần hết. Các đối tác nghi ngờ Công ty làm ăn bậy bạ, không hợp tác thi công nữa, Công ty rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn, không thể hoạt động được nữa. Toàn bộ sự việc xảy ra khiến ông Thi bị suy sụp tinh thần, phải nhập viện điều trị một tuần. Hiện Công ty gần như ngừng hoạt động, rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Để xác minh đơn thư phản ảnh, ngày 7/6, phóng viên đã có mặt tại TP Cần Thơ để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan.
Trong buổi tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Giám đốc công ty Tây Nam xác nhận: Tháng 6/2014, trong khi Dự án Cụm nhà máy chế biến nông, thủy sản mà Công ty Tây Nam làm chủ đầu tư đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, thì Agribank Cần Thơ yêu cầu ông báo cáo giải trình, để phục vụ quá trình điều tra của Cục A86, Bộ Công an và Công an TP Cần Thơ. Lí do liên quan đến đơn tố cáo Công ty Tây Nam “Nhận vốn vay nhưng không thực hiện dự án, dùng vốn vay để cho vay lại hưởng lãi suất”. Công ty Tây Nam đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, có văn bản giải trình. Agribank Cần Thơ cũng đã cung cấp đầy đủ các chứng từ vay cho đoàn kiểm tra.
Doanh nghiệp cho rằng vốn vay đã sử dụng đúng mục đích
Thế nhưng, sự việc không dừng tại đó, mà càng ngày càng xuất hiện những thông tin lạ, gây bất lợi cho Công ty Tây Nam và ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân. Ông Nhân cho biết thêm: “Bỗng dưng ở TP Cần Thơ, từ ngân hàng, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước… rộ lên thông tin cá nhân tôi và công ty của tôi đang bị Bộ Công an điều tra và sắp bị bắt. Sau đó, Trưởng phòng PA81, Công an TP Cần Thơ kí thư mời tôi đến làm việc, nội dung liên quan đến hợp đồng tín dụng giữa Công ty tôi với Agribank Cần Thơ. Người làm việc trực tiếp với tôi là ông Lê Đức Bảy, Phó phòng PA81. Tôi liên tục bị mời lên làm việc trong một tháng”.
Do sự việc kéo dài, gây áp lực ảnh hưởng lớn khiến Công ty Tây Nam phải gửi văn bản tới các cơ quan chức năng và các bên đối tác, thông báo dừng dự án - Ông Nhân cho biết.
Còn tiếp bài sau: CÔNG AN TP CẦN THƠ NÓI GÌ?