Cần thiết thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường ở Việt Nam

Nguyễn Thị Thu Hiền, Chánh Tòa gia đình và người chưa thành niên| 07/07/2021 20:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực trạng xét xử trong thời gian qua cho thấy vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cá nhân, pháp nhân trong lĩnh vực liên quan đến môi trường xảy ra nhiều nơi; các tranh chấp liên quan đến môi trường ngày càng nhiều và chưa được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả...

362 vụ án/590 bị cáo phạm các tội phạm về môi trường trong năm 2020.

Tội phạm về môi trường không ngừng gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

z2599366522963_bb68e2a70ded8d0fb862dd0adfcac727.jpg

Vì vậy, việc thành lập Tòa chuyên trách về môi trường trở nên cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả xét xử và đáp ứng sự đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Qua xét xử các tội phạm môi trường trong những năm gần đây cho thấy đa số là các Tội gây ô nhiễm môi trường, Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản, Tội hủy hoại rừng, Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên.

Báo cáo của ngành Tòa án cũng cho thấy, năm 2020, toàn ngành đã xét xử 362 vụ án/590 bị cáo phạm các tội phạm về môi trường và cũng trong 6 loại tội danh nêu trên. So với thực trạng tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng gia tăng thì công tác đấu tranh, xét xử các loại tội phạm này vẫn còn hạn chế.

Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về tội phạm môi trường còn có mâu thuẫn nhất là trong việc định giá đối với động vật nguy cấp, quý, hiếm. Liên quan đến vấn đề này, mặc dù tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản cũng như trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự… nhưng mỗi địa phương hoặc khu vực lại có giá khác nhau, nên việc áp dụng giá không thống nhất, không chính xác dẫn tới việc áp dụng pháp luật không công bằng. Cùng về một hành vi, việc áp dụng giá không thống nhất dẫn đến cùng một loài, một cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm thì ở địa phương này người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn ở địa phương khác thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và dẫn tới việc giải quyết vụ án bị kéo dài.

Đối với các tội phạm về môi trường theo BLHS năm 2015, không có tội nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vì không có tội danh nào có khung hình phạt tù cao đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình), trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn.

Thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường tại TAND cấp tỉnh là cần thiết

Một trong những giải pháp để hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường là người dân có thể khởi kiện tại Tòa án nơi có các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, điển hình như vụ xả thải gây ô nhiễm kéo dài và nghiêm trọng trước đây của Công ty Vedan (tỉnh Đồng Nai), vụ xả thải không qua xử lý của công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh…

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về môi trường bị kéo dài do việc chứng minh, việc giám định chuyên biệt về các thiệt hại mà người bị thiệt hại đã và đang phải gánh chịu do ô nhiễm môi trường gây ra ảnh hưởng tới đời sống, tính mạng và sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường trực thuộc Tòa án cấp tỉnh ở những nơi có khu công nghiệp và các Thẩm phán chuyên trách về môi trường nhằm giải quyết hiệu quả và triệt để các sự vụ ô nhiễm môi trường trên diện rộng, có thể gây thiệt hại cho nhiều hộ dân sống ở các địa phương khác nhau là rất cần thiết.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu “việc thành lập tòa chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp tòa án, từng khu vực”. Tại Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện những nội dung về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW. Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì cơ cấu tổ chức của TANDCC, TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các tòa chuyên trách là Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TANDTC.

ca-chet-hang-loat.jpg
Cá chết hành loạt ở Điện Biên nghi do ô nhiễm nguồn nước (Ảnh Internet)

Trong hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay, chưa có một cơ quan chuyên biệt để giải quyết các vụ việc liên quan đến lĩnh vực môi trường, tuy rằng đây là một lĩnh vực đang được xã hội rất quan tâm. Thời điểm này, việc thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường là cần thiết, cấp bách nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời, là cơ hội để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Việc thành lập Tòa chuyên trách về môi trường không chỉ góp phần khắc phục những trở ngại trước mắt của công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, giải quyết triệt để các tranh chấp về môi trường mà còn phù hợp với mô hình tổ chức tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập Tòa chuyên trách về môi trường như Ấn Độ, Mỹ, Úc, Nam Phi, New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan… Qua thực tiễn ở các quốc gia trên, so với Tòa án thông thường, việc xét xử các vụ án, các tranh chấp môi trường tại Tòa án môi trường với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực này đem lại hiệu quả cao hơn do tính chuyên môn hóa cao.

Điển hình, ở Trung Quốc, ban đầu thành lập Tòa án chuyên về môi trường tại tỉnh Phúc Kiến, đây là Tòa án đầu tiên chuyên trách xử lý các vụ án về môi trường, trực thuộc TAND tỉnh và có 12 chuyên gia thuộc các lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, biển và khai khoáng với vai trò cố vấn kỹ thuật. Các chuyên gia này sẽ tham dự phiên tòa để tư vấn về chuyên môn và trợ giúp Hội đồng xét xử giải thích rõ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực xét xử. Sau đó, TANDTC Trung Quốc đã thành lập Tòa chuyên trách về môi trường tại các tỉnh khác trên cả nước.

Tại Việt Nam, việc thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường tại TAND cấp tỉnh là rất cần thiết. Bước đầu, cần thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường trực thuộc TAND cấp tỉnh ở những nơi có khu công nghiệp và các Thẩm phán chuyên trách về môi trường nhằm giải quyết hiệu quả và triệt để các tội phạm về môi trường và các vụ ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Việc thành lập Tòa môi trường sẽ giúp việc giải quyết các vụ án hình sự và các vụ việc tranh chấp liên quan đến môi trường được nhanh chóng; tạo tiền đề phân hóa, tập trung chuyên môn nhiệm vụ đối với các Thẩm phán, tổ chức giám định… Bổ sung những quy định tạo sự liên thông giữa việc áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp xử lý hình sự với việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại tại các Tòa chuyên trách…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường ở Việt Nam