Qua thực tế hoạt động, TAND vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việc thực hiện việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả bảo đảm cho các TAND sẵn sàng đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong của thời kỳ hội nhập; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cải cách tư pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, TAND các cấp đã từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy, đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất đã có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để các Tòa án nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ, việc đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh được tăng cường, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; uy tín, vị thế của Tòa án được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Qua thực tế hoạt động, TAND vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn chồng chéo, trùng lắp; số lượng biên chế, Thẩm phán chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa theo vị trí việc làm; năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức không đồng đều, tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; năng lực quản lý, điều hành ở một số Tòa án còn hạn chế; công tác hành chính tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách tiền lương còn bất cập...
Những hạn chế, bất cập nêu trên do những nguyên nhân khách quan, chủ quan: Số lượng các loại vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án ngày càng gia tăng (năm sau cao hơn năm trước) cùng với việc phải thực hiện tinh giản biên chế theo nghị quyết của Trung ương đã tạo áp lực lớn cho các Tòa án; cơ cấu tổ chức một số đơn vị, Tòa án chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là tổ chức các TAND cấp huyện; một số văn bản pháp luật về tổ chức, bộ máy có nội dung khó thực hiện, cơ chế, chính sách khuyến khích sắp xếp tinh gọn tổ chức, biên chế chưa phù hợp, thiếu mạnh mẽ ....; một số cấp ủy, người đứng đầu Tòa án chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt; công tác quản lý gắn với thanh tra, kiểm tra thiếu thường xuyên…
Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, xác định mục tiêu chung: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chỉ thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”.
Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp.
Thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 (Chương trình số 05-CTr/TW, ngày 16/3/2021), Ban cán sự đảng TANDTC nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, tiếp tục xây dựng hệ thống TAND chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND.
Quá trình xây dựng, thực hiện “Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng” phải quán triệt các quan điểm chỉ đạo: Việc đổi mới tổ chức TAND phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng. Thực hiện được những chủ trương cốt lõi của Đảng đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết về cải cách tư pháp.
Đổi mới tổ chức TAND phải kế thừa những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, trên cơ sở tổng kết thực tiến phải khắc phục được những hạn chế, bất hợp lý, khó khăn trong thực tiễn hoạt động của Tòa án các cấp. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam đề xây dựng nên tư pháp nước nhà tương đồng với trình độ chung của thế giới.
Đề án được xây dựng khoa học, có cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn. Đổi mới mạnh mẽ nhưng có bước đi thận trọng, chắc chắn. Vấn đề đã rõ thì sắp xếp, đổi mới ngay. Vấn đề mới cần thí điểm để kiểm nghiệm thực tiễn, tạo cơ sở để đề xuất Ban Chấp hành Trung ương thông qua nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó có cải cách tư pháp tổng thể.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong TAND các cấp về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.