Cần tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn tại trụ sở Tòa án

Đỗ Việt (thực hiện)| 03/11/2021 12:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm gần đây xảy ra không ít trường hợp đương sự gây rối, tấn công lại lực lượng chức năng ngay tại trụ sở Tòa án. Cá biệt có trường hợp tự gây thương tích, tính mạng của mình đã ảnh hưởng đến trật tự, anh ninh, an toàn tại Tòa án.

z2901129856663_954f847f2354f068196c7980aa07027e.jpg
Bà Hoàng Thị Song Mai, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC

Phóng viên Báo Công lý có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Song Mai, Trưởng phòng Phòng Hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học TANDTC xoay quanh vấn đề này.

Nghề nghiệp có tính chất nguy hiểm

PV: Việc các đương sự gây rối tại phiên tòa, thậm chí tấn công lại lực lượng chức năng và Thẩm phán đang thực hiện nhiệm vụ là chuyện không hiếm. Mới đây nhất, trong quá trình hòa giải về tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, một đương sự bất ngờ dùng dao gây thương vong cho 2 người, trong đó có cả cán bộ Tòa án. Bà có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Bà Hoàng Thị Song Mai: Đây là vấn đề không phải là mới, nhưng lại là thực trạng có tính phổ biến trong thời gian gần đây. Với chức năng đặc thù, khi giải quyết các vụ án (nhất là vụ việc dân sự) Thẩm phán phải tiếp xúc trực tiếp với đương sự để lấy lời khai, đối chất, hòa giải…, trong khi đó quyền lợi của các đương sự thường đối trọng nhau; có mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với nhau nên dễ xảy ra xô xát.

Kết quả xét xử vụ án hình sự có thể khiến bị cáo bị tuyên án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù. Bị cáo thì muốn được xử nhẹ, bị hại thì muốn xử bị cáo nặng nên kết quả xét xử của Tòa án rất khó hài lòng cả hai bên.

Kết quả giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính sẽ quyết định một bên thua, một bên thắng. Trong tố tụng thì ân ân, oán oán, được thì người ta ơn, thua thì người ta ghét...

Bởi vậy, phán quyết của Tòa án không phải lúc nào cũng được các bên đương sự ghi nhận, tôn trọng. Thậm chí, việc giải quyết của Tòa án có thể khiến các đương sự bức xúc, thù ghét và tìm cách trả thù. Đã có vụ việc Thẩm phán bị tạt axít (Tòa án quận Đống Đa, Hà Nội), bị đe dọa, bị tấn công ngay tại trụ sở Tòa án, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ Tòa án và các đương sự có mặt tại phiên tòa.

Có thể nói, hoạt động xét xử của các Tòa án được xếp vào loại nghề nghiệp có tính chất “nguy hiểm”.

Thiếu lực lượng bảo vệ chuyên biệt

PV: Qua một số vụ việc đã cho thấy những tiềm ẩn mất an toàn tại trụ sở Tòa án, nhất là Tòa án cấp huyện. Theo bà nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Bà Hoàng Thị Song Mai: Thực trạng này theo tôi xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

Thứ nhất, thiếu cơ chế pháp lý về bảo vệ an ninh tại Tòa án nói chung. Hiện nay, các Tòa án mới chỉ được bố trí nhân lực “bảo vệ” trực tại cửa ra vào trụ sở Tòa án chỉ mang tính chất hành chính thông thường, chưa phải là lực lực chuyên biệt.

Pháp luật về tố tụng và Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/3/2016 của Bộ Công an mới chỉ quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân, mà chưa có cơ chế bảo vệ các hoạt động khác tại Tòa án.

Thứ hai, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của một số người dân khi tham gia tố tụng tại Tòa án chưa được cao.

Thứ ba, chế tài xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án còn thiếu quy định, chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh.

Thứ tư, việc dự báo tình hình phức tạp của vụ việc đang được thụ lý giải quyết là rất khó, nhất là tâm lý đương sự.

Cần tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn tại trụ sở Tòa án

PV: Như bà vừa trao đổi thì thấy chỉ các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án mới có lực lượng Cảnh sát tư pháp hỗ trợ, còn các hoạt động khác lại chưa được bố trí. Điều này có bất hợp lý không, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Song Mai: Đây là vấn đề lớn, cần được xem xét, đánh giá một cách tổng thể, khoa học về nội dung này mới có thể nhận định có bất hợp lý hay không. Nếu các hoạt động khác của Tòa án mà có giải pháp phù hợp thì không cần quy định Cảnh sát hỗ trợ tư pháp.

Ví dụ, nếu được kiểm soát an ninh khi vào trụ sở Tòa án, được bố trí phòng chức năng riêng bảo đảm an toàn thì không cần phải có lực lượng Cảnh sát bảo vệ hoạt động này.

PV: Là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo TANDTC ban hành hoặc đề xuất chính sách pháp luật cho hệ thống Tòa án, theo bà để bảo đảm an ninh, an toàn tại trụ sở Tòa án thì chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp gì?

Bà Hoàng Thị Song Mai: Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp nhận các thông tin phản ánh từ các Tòa án để tổng hợp, rà soát, đánh giá bước đầu về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xét xử. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền cho ý kiến về việc “tăng cường an ninh tại Tòa án”.

Tôi cho rằng cần tăng cường an ninh tại Tòa án theo hướng: (1) hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phép thực hiện kiểm tra an ninh khi vào trụ sở Tòa án; (2) ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động xét xử. Đặc biệt, sớm hình thành Tòa án điện tử trong tương lai, trong đó có vấn đề về tố tụng điện tử; (3) bảo đảm nguồn lực về kinh phí, cơ sở vật chất cho các Tòa án trong công tác này; (4) Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho các Thẩm phán, công chức Tòa án như về kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phán đoán tâm lý đương sự….

Xin cảm ơn bà!

Củng cố lại lực lượng bảo vệ tại trụ sở Tòa án

“Trong xã hội mới ngày nay con người sống và làm việc theo pháp luật, lấy pháp luật làm thước đo tính hợp pháp của hành vi con người, thực hiện pháp luật là một nét văn hóa trong đời sống. Bởi vậy các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh trong đời sống xã hội mà không giải quyết được với nhau, không thể hóa giải được thì đưa đến Tòa án giải quyết là một cách hành xử văn minh, giúp giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp trong đời sống xã hội, thể hiện sự thượng tôn pháp luật.

Vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang mới chỉ trong giai đoạn hòa giải cho thấy nguy cơ mất an toàn tại trụ sở Tòa án.

Vụ án cho thấy cần phải củng cố lại lực lượng bảo vệ, hỗ trợ tư pháp tại trụ sở Tòa án.

Bởi vậy, cần tuyển chọn, sử dụng lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp có khả năng kiểm soát, phát hiện tình huống ngay từ vòng ngoài. Tăng cường lực lượng, số lượng bảo vệ tại Tòa án, không chỉ bảo vệ vòng ngoài mà còn bảo vệ phía trong, khu tố tụng và khu vực xét xử", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn tại trụ sở Tòa án