Cần sớm rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung

Lan Trần| 20/05/2018 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các bộ, ngành, địa phương sớm rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của bộ, ngành, địa phương.

Lưu ý trên đã được ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Tài chính về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, ngày 21/6/2017, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với 10 Chương, 134 Điều cụ thể hóa Điều 53 Hiến Pháp năm 2013. Trong đó, quy định đầy đủ các nội dung về quản lý nhà nước với tài sản công; chi tiết quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Để hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 12 văn bản gồm 11 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cần sớm rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung

Việc xử lý bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch. Ảnh minh họa

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng, huy động khai thác sử dụng tiết kiệm có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế- xã hội.

Liên quan đến nội dung chủ yếu của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết nghị định quy định về thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục thực hiện các nội dung trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (mua sắm, thuê tài sản, sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại); quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công. Việc xử lý bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch.

Đồng thời, để sử dụng, khai thác có hiệu quả tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định hướng dẫn việc xây dựng Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; trong đó, việc lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết sẽ được thực hiện trên cơ sở thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác và 05 tiêu chí (năng lực, kinh nghiệm của đối tác; hiệu quả của phương án tài chính; cơ sở vật chất, trang thiết bị của đối tác; phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết; tiêu chí khác).

Quy định về mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phương thức tập trung theo hướng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tế triển khai mua sắm tập trung thời gian vừa qua như: nguồn vốn thực hiện mua sắm tập trung, lộ trình mua sắm tập trung cấp quốc gia, xử lý việc mua sắm đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung phát sinh đột xuất trong năm, xử lý mua sắm đối với tài sản thuộc dự án đầu tư xây dựng nằm trong danh mục tài sản mua sắm tập trung.

Nghị định quy định về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với đất giao không thu tiền sử dụng đất, đất được Nhà nước cho thuê và được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê bằng tiền có nguồn gốc NSNN, đất nhận chuyển nhượng bằng tiền có nguồn gốc NSNN. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành việc xác định giá trị quyền sử dụng đất lần đầu trong năm 2018 và thực hiện điều chỉnh trong 05 trường hợp.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, năm 2016 số tiền sử dụng đất thu được xấp xỉ 127 nghìn tỷ đồng; tiền thuê đất thu được khoảng 27 nghìn tỷ đồng. Xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm và tăng với tỷ trọng cao, dần dần điều chỉnh thị trường liên quan đến giao đất và cho thuê đất.

Cũng liên quan đến nguyên tắc trong việc xử lý tài sản công như nhà đất, ông Thịnh cho biết quy định đã phân định tài sản công cấp trung ương và địa phương, và quản lý theo hướng tài sản thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó sẽ quyết định các công việc liên quan. Từ trước đến nay, tài sản công khi thực hiện bán, chuyển nhượng đều thông qua đấu giá, việc chuyển nhượng bằng hình thức chỉ định chỉ xảy ra trong một số trường hợp. Tuy nhiên về cơ bản, các trường hợp này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về tài sản công, đối với nhà đất khi thực hiện bán, dù là bán đấu giá hay bán chỉ định đều xác định sát với giá thị trường, thông qua việc thuê tổ chức thẩm định giá hoặc xác định thông qua hội đồng, các cơ quan thẩm định. Sau đó, trình UBND cấp tỉnh nơi có cơ sở nhà đất quyết định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung