Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 06 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 04 điều).
Một trong những sửa đổi quan trọng trong dự thảo luật là quy định về hợp đồng dầu khí quy định tại Chương IV dự thảo Luật. UBTVQH cho rằng, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển...
Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành. Ngoài ra, dự án Luật đã được tiếp thu ý kiến ĐBQH, thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí…
Và để thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động dầu khí, tạo điều kiện cho các đối tác tiềm năng có thể tiếp cận với hoạt động dầu khí nhanh nhất, thuận lợi nhất, đặc biệt là đối với việc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia tại các hợp đồng dầu khí mà các nhà thầu Việt Nam đã ký kết, Điều 34 dự thảo luật quy định theo hướng ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí. Còn đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thì thực hiện theo các quy định của các luật đã có và các luật có liên quan.
Đại biểu Tạ Đình Thi- Đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị bổ sung vào Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí một khoản quy định chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí, thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Điều 8 có quy định về việc tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí. Theo đó, Dự thảo Luật cũng quy định rõ vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm những nội dung nào. Tuy nhiên cần rà soát nội dung này với các Luật có liên quan như Luật Biển Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn -Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, để có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn. Cần phải thiết lập nền tảng phát triển mới, đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với các luật khác có liên quan trong tiếp cận, điều hành, quản lý Nhà nước về hoạt động dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc quyền kinh tế, chủ quyền biển, đảo phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế.
Về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ, đại biểu cho biết: Khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật có quy định về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển. Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ khái niệm chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển ngoài diện tích hợp đồng ban đầu.
Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật, đại biểu nhận định đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này, cần bổ sung vào dự thảo Luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều năm mươi tư của dự thảo luật thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư.