Cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật

Xuân Tình| 21/08/2014 18:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Doanh nghiệp không “sợ” luật mà ngại văn bản pháp quy dưới luật, bởi lẽ văn bản dưới luật có kết cấu, cách thể hiện còn phức tạp, rườm rà, khó hiểu và chưa khoa học. Khi cần áp dụng luật thì lại được dẫn dắt qua điều này, khoản nọ, luật kia như "ma trận".

Cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật

Ảnh minh họa

Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp vừa tổ chức mới đây, tại TP.Hồ Chí Minh đã tập trung vào hai chủ đề quan trọng là vai trò của doanh nghiệp và thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.    

  “Mờ nhạt” tiếng nói doanh nghiệp   

Nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, các luật sư cho rằng, là một chủ thể bị pháp luật điều chỉnh, được pháp luật đảm bảo về quyền lợi cũng như quy định nghĩa vụ thực hiện nhưng tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, có nơi còn bị bỏ qua.

Luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty luật Hợp danh Việt Nam cho rằng: Vai trò của doanh nghiệp địa phương trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương dường như đang bị “quên” do chính quyền không mời hoặc không gửi văn bản lấy ý kiến trong khi vai trò của doanh nghiệp tham gia vào đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hết sức quan trọng với tư cách là một chủ thể pháp luật điều chỉnh trực tiếp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi được tham gia góp ý, các doanh nghiệp sẽ nói lên thực tế của các quy định, góp phần làm cho các quy định đi vào thực tế cuộc sống. Muốn vậy, cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần có thái độ tiếp thu, trách nhiệm giải trình các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của Hội các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai, các doanh nghiệp ở địa phương hầu như chưa được mời góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương mà chủ yếu vẫn do các Sở, ban, ngành thực hiện, cùng lắm mới có sự tham gia của đoàn luật sư.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, cơ quan Nhà nước nên tuyên truyền về dự thảo và có phúc đáp, giải trình các ý kiến góp ý, phản hồi của doanh nghiệp; tận dụng internet và truyền hình để đưa tin về chính sách mới; tập trung hơn vào công tác tuyên truyền trước khi ban hành văn bản; hình thức lấy ý kiến tốt nhất đối với doanh nghiệp là qua email, fax cũng như công văn.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thực tế doanh nghiệp không “sợ” luật mà ngại văn bản pháp quy dưới luật ,bởi lẽ văn bản dưới luật có kết cấu, cách thể hiện nhiều khi còn phức tạp, rườm rà, khó hiểu và chưa khoa học. Một vấn đề nêu ra cần áp dụng luật thì lại được dẫn dắt qua điều này, khoản nọ, luật kia như một "ma trận". Vì thế, cơ quan Nhà nước cần dành nhiều thời gian để doanh nghiệp góp ý dự thảo luật trước khi ban hành, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần thật sự khách quan, cầu thị trong sửa chữa.

Làm rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật  

Trong tham luận gửi tới hội thảo, Luật sư Lê Nết nhận định, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tiến trình lập pháp của Việt Nam, chỉ sau Hiến pháp. Từ luật này, các cơ quan Nhà nước ban hành các luật và các văn bản dưới luật. Trong khi Việt Nam không có Tòa án Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ tạo cơ sở để xác định một văn bản pháp luật là vi hiến hay bất hợp pháp.

Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, mặc dù giữ vai trò quan trọng như vậy nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua vẫn chưa phát huy hết tác dụng, chưa thể khắc phục được đặc điểm phức tạp của hệ thống pháp luật Việt Nam; trong đó có việc làm rõ thẩm quyền ban hành pháp luật đúng trình tự. Dẫn chứng cho lập luận nêu trên, luật sư Lê Nết cho rằng, văn bản pháp luật có thể do Quốc hội thông qua nhưng người soạn thảo lại chính là cơ quan quản lý trong lĩnh vực đó. Cách tiếp cận này sẽ dẫn đến việc các Bộ, ngành sẽ quy định chung chung để có cơ hội giải thích luật về sau, khiến giá trị của luật bị giảm đi. Theo quan điểm của Luật sư Lê Nết, việc soạn thảo luật trước tiên phải thuộc về Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chịu trách nhiệm, sau đó cơ quan quản lý sẽ góp ý hoàn chỉnh dự thảo.

Thạc sĩ Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Vina Code Law Firm cũng cho rằng: Vẫn còn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật. Bởi vì quy trình soạn thảo, ban hành văn bản vẫn khép kín trong nội bộ một cơ quan, cấp dưới thẩm tra văn bản của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan cùng cấp kiểm tra lẫn nhau thì không thể tránh khỏi sự nể nang. Từ những phân tích này, Thạc sĩ Hoàng Văn Sơn cũng đề nghị việc soạn thảo luật phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Có chung quan điểm, Luật sư Phan Thông Anh nhấn mạnh, cần làm rõ thẩm quyền ban hành luật và không thể giao nhiệm vụ này cho các cơ quan hành pháp.Trong khi đó, luật sư Châu Huy Quang khuyến nghị, Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc giải thích áp dụng pháp luật; cần sớm chấm dứt tình trạng hễ cứ ban hành luật về một lĩnh vực nào, nhất là kinh tế lại “đẻ” ra một quỹ làm “phình to” bộ máy thuộc Bộ, ngành đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật