Cần mạnh tay với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Hương Lan| 10/05/2015 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ xâm hại tình dục, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em, cần rà soát, đánh giá một cách toàn diện hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em để có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Những con số đáng lo ngại

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người từ năm 2009 đến nay, tội hiếp dâm trẻ em đứng thứ 3, chỉ sau tội cố ý gây thương tích và tội giết người. Điều đáng nói, số lượng các bị cáo bị các cấp tòa án đưa ra xét xử về các tội xâm hại tình dục trẻ em trong những năm qua cũng gia tăng. Chỉ tính từ năm 2008 đến hết năm 2013, Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.772 vụ với 10.265 bị cáo về hành vi xâm hại tình tình dục phụ nữ và trẻ em. Trong số các vụ án này, nạn nhân là trẻ em chiếm tỷ lệ lớn (6.929 vụ với 7.563 bị cáo, chiếm tỷ lệ 78,99% số vụ và chiếm 73,68% số bị cáo bị xét xử).

Đối tượng phạm tội xâm hại về tình dục trẻ em đa dạng, phức tạp, thuộc mọi độ tuổi, trình độ văn hóa cũng như có địa vị xã hội khác nhau, mức độ tội phạm cũng khác nhau. Nhiều nạn nhân trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em chỉ mới 3, 4 tuổi, hoàn toàn không có khả năng nhận biết hành vi đồi bại mà các cháu đang phải hứng chịu do chính người thân của mình gây ra. Ngoài ra, qua công tác xét xử, chủ thể của tội phạm hiếp dâm không chỉ là nam giới, nữ giới cũng phạm tội hiếp dâm trong vai trò đồng phạm giúp sức

Thời gian gần đây đã xuất hiện loại tội phạm du lịch tình dục trẻ em. Loại tội phạm này diễn ra chủ yếu ở một số hình thức như du khách quốc tế tự tìm kiếm hoặc thông qua môi giới để thực hiện hành vi mua dâm, mua trinh, giao cấu, dâm ô với trẻ em; một số đối tượng tổ chức đường dây mua bán trẻ em để phục vụ các dịch vụ, đường dây sextour hoặc cung cấp các dịch vụ tình dục cho khách du lịch trong nước và quốc tế… Trong khi đó, hệ thống pháp luật chưa có một điều luật, một quy định hay khái niệm đầy đủ về tội phạm du lịch tình dục trẻ em, vì vậy cũng chưa có thống kê đầy đủ vể loại tội phạm mới này.

Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) công bố mới đây, trong khoảng 1.700 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm tới 65% và có tới 85% trẻ bị xâm hại tình dục bởi những người quen biết…

Cần mạnh tay với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Quyền được bảo vệ là một trong các quyền cơ bản của trẻ em

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Plan Internation tại 30 trường phổ thông tại Hà Nội cho thấy, 11% trẻ em từng bị lạm dụng, xâm hại tình dục trong trường học. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề xâm hại tình dục trẻ em lại trở nên cấp bách như lúc này. Bà Phạm Thị Thoa - Phó trưởng Ban Gia đình - Xã hội (T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, nạn nhân của những vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường là các bé gái, số tuổi của các bé bị xâm hại ngày càng trẻ, cá biệt có những trường hợp nạn nhân mới vài tháng tuổi. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, 85% trẻ bị bạo lực và xâm hại tình dục bởi những người quen biết, họ hàng, láng giềng, không ít các vụ thủ phạm chính là bố dượng, cậu, chú, anh rể... của nạn nhân” – bà Thoa cho hay.

Cần có chế tài mạnh hơn

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em không những gây ra cho các em đau đớn, thương tật về thể xác, mà về tinh thần các em cũng bị tổn hại nặng nề.

Theo khảo sát, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại phải còn gánh chịu nguy cơ hết sức nguy hiểm đó là lây lan các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS.

 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp như vậy, một phần có thể do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do nhiều người làm bố, làm mẹ còn thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng; thiếu kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại sự lỏng lẻo và những khoảng trống trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tình dục như: chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhân chứng, nhận tố giác từ trẻ em; pháp luật cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi xâm hại trẻ nhỏ.

Các chuyên gia cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em. Một số điều luật như điều luật về xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự còn quy định chung chung. Các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc các thủ đoạn khác để thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi cần được đưa vào quy định tại Điều 112, điều luật quy định vê tội hiếp dâm trẻ em. Đối với các hành vi tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức người khác giao cấu với người dưới 13 tuổi cũng cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 112. Người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em còn phải chịu các trách nhiệm như chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh hay bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc bị trục xuất… khi vi phạm Điều 116.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, gia đình phải giữ vai trò nòng cốt. Các tổ chức đoàn thể, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các gia đình về trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, chăm sóc con cái để phòng tránh bị xâm hại. Gia đình và nhà trường cần giáo dục kiến thức về giới tính cho trẻ, hướng dẫn các em kỹ năng, ý thức tự bảo vệ mình trước hành vi bạo lực và xâm hại tình dục.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, tới đây, Bộ LĐTB&XH đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ có những quy định cụ thể về các quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân trong việc phát hiện, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị xâm hại, bạo lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần mạnh tay với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em