Cần lắng nghe ý kiến của giáo viên về việc chọn sách giáo khoa

Đức Duy| 02/12/2021 12:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ sách giáo khoa để nhà trường, giáo viên, phụ huynh có thể tham khảo và lựa chọn được bộ sách phù hợp với học sinh và kinh tế ở từng địa phương đó. Thế nhưng, dường như việc lựa chọn sách giáo khoa vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Cái lợi của việc để nhà trường, giáo viên trực tiếp giảng dạy chọn sách

Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu giúp người học làm chủ kiến thức; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

giao-vien.jpg
Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu giúp người học làm chủ kiến thức. Ảnh minh họa. DT.

Đồng thời, chương trình phổ thông mới sách giáo khoa được xem là học liệu, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa giúp cho giáo viên, phụ huynh và nhà trường có thể lựa chọn được bộ sách phù hợp với học sinh và điều kiện kinh tế của phụ huynh ở địa phương mình.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Biên Thùy – Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Đình Lập – tỉnh Lạng Sơn: “Việc chọn sách giáo khoa cho học sinh ở huyện Đình Lập vẫn thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ GDĐT. Ngay khi có các bộ sách mới thì Phòng giáo dục chúng tôi đã đưa đến các trường để giáo viên, nhà trường được đọc, nghiên cứu và dạy thử sau đó các trường mới xem xét bộ sách nào phù hợp với học sinh mới gửi danh sách lên cho Phòng giáo dục. Lúc này, phòng sẽ tổng hợp rồi báo cáo ra Sở GDĐT”.

Bà Thùy cũng nhấn mạnh: Ưu thế của việc để giáo viên, nhà trường lựa chọn sách họ sẽ thấy được bộ sách phù hợp với tình hình kinh tế, tình hình của địa phương. Đặc biệt là biết được mức độ tiếp nhận kiến thức, khả năng của học sinh trong các bài học của bộ sách giáo khoa đó đến mức độ nào như vậy trong quá trình học và dạy cũng thuận lợi hơn nhiều.

Đồng thời, chúng tôi luôn lắng nghe những lựa chọn, góp ý về việc chọn bộ sách của các trường tất cả đều mục đích để học sinh có thể đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình học tập.

Bà Thùy cũng cho biết thêm: “Tôi cũng nằm trong Hội đồng chọn sách giáo khoa của tỉnh, hầu hết 100 % thành viên trong hội đồng ý với việc lựa chọn sách giáo khoa của trường đề xuất lên”.

Cũng liên quan đến vấn đề chọn sách giáo khoa, một giáo viên ở Nghệ An chia sẻ: “Ở nơi cô công tác, cứ đến tháng 8 nhà trường sẽ đưa các bộ sách mới về để cho giáo viên nghiên cứu, dạy thử sau đó mới quyết định đưa ra bộ sách phù hợp với học sinh ở trường mình.

Tiếp theo đó, sau khi lựa chọn xong sẽ gửi lên Sở GDĐT và Sở sẽ bắt đầu đăng ký số lượng với công ty thiết, sau khi có sách thì người ta sẽ đưa về tận nơi cho mình”.

Vị giáo viên này cũng cho biết thêm, việc minh bạch cho các trường, thầy cô chọn sách là hợp lý vì họ là người hiểu học sinh, biết được mức tiếp nhận bài học đến đâu.

hoc-sinh.jpg
Ảnh minh họa. HN.

Cơ chế hay nhưng vẫn có nhiều kẽ hở

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nếu như Thông tư 01/2020 của Bộ GDĐT thì giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Thì Thông tư 25 khiến nhiều người lo ngại rằng những kẻ hở trong Thông tư này sẻ xảy ra tiêu cực không mong muốn.

Thông tư 25 trao toàn quyền bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa cho hội đồng hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có thể bị lợi dụng để thực hiện “lợi ích nhóm”.

Cụ thể, điểm b khoản 4 Điều 8 quy định: “Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Trước việc trao quyền bỏ phiếu cho hợp đồng trong thông tư 25, nhiều người lo ngại sẽ có lợi ích nhóm trong đó.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Nguyên giám đốc Sở GDĐT, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Mâu thuẫn giữa các quy định trong Thông tư như theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 cũng thuộc Điều 8, cơ sở GDPT phải tổ chức xét chọn rất công phu: tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên giáo viên nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa.

Cơ sở GDPT “tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Từ những phân tích trên ông Long lo ngại: kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng sách rất có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ.

Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển sách giáo khoa, một bộ sách giáo khoa thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy có nghĩa là toàn bộ các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 bị vô hiệu hóa bằng khoản 4.

Hiện nay, có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành . Bởi vậy, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Ví dụ: NXB đầu tư cho Sở GDĐT để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỷ lệ chiết khấu phát hành; vận động không lành mạnh một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua sách giáo khoa; chỉ đạo các Công ty phát hành sách ở địa phương không được phát hành các NXB khác,….

Trong quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đã tạo điều kiện cho thành viên hội đồng chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín.

Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh.

Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 ông Long cho rằng Bộ GDĐT sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn sách giáo khoa của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ kiểm tra để xác nhận sách giáo khoa được cơ sở GDPT lựa chọn là sách giáo khoa đã được Bộ GDĐT phê duyệt cho sử dụng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Trong trường hợp sách giáo khoa được dưới 10% cơ sở GDPT lựa chọn, HĐ khuyến nghị Sở GDĐT thông báo cho các cơ sở GDPT đó biết tỉ lệ lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT khác trong toàn tỉnh (thành phố) để cơ sở nghiên cứu, lựa chọn lại, nếu cần.

Theo ý kiến của ông Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GDĐT Thái Nguyên Phạm Việt Đức cho biết: “Quy định của Bộ GDĐT là mở, các tỉnh có thể chọn nhiều bộ sách giáo khoa. Nếu các tỉnh tôn trọng ý kiến của cơ sở một cách tuyệt đối, chọn tất cả các bộ sách thì Thông tư 25 không để làm gì.

Ông Đức cho rằng, các bộ sách đã được Hội đồng thẩm định của Bộ GDĐT xem xét và được Bộ trưởng phê duyệt để sử dụng đều đạt yêu cầu về các tiêu chí cho các cơ sở giáo dục địa phương sử dụng trong năm học.

Tiêu chí chủ yếu để chọn là đánh giá xem sách có phù hợp với địa phương không. Để biết có phù hợp không, phù hợp đến mức nào thì trường lựa chọn là phù hợp nhất. Nên để tỉnh lựa chọn cũng không hợp lý.

Theo ý kiến của ông Đức: “Một là giao cho trường, hoặc là giao cho tỉnh chọn sách. Chứ Hội đồng tỉnh đi hợp pháp hóa lựa chọn các trường là không có ý nghĩa”.

Từ những chia sẻ thẳng thắng của giáo viên, các chuyên gia giáo dục hay lãnh đạo các địa phương để thấy rằng việc lựa chọn sách giáo khoa phải xuất phát từ chính những giáo viên, thầy cô trực tiếp giảng dạy như vậy kết quả học tập mới đạt được như mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ mới hướng tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lắng nghe ý kiến của giáo viên về việc chọn sách giáo khoa