Cần hết sức khẩn trương nối lại chuỗi sản xuất bị đứt gãy

Tuấn Phong| 17/08/2021 21:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Doanh nghiệp không thể tạm dừng hoạt động quá lâu, bởi khi đó đơn hàng sẽ bị chuyển đi quốc gia khác và doanh nghiệp đó sẽ bị tuột ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, cần có nhiều giải pháp để doanh nghiệp vừa có thể sản xuất mà vẫn phòng chống được dịch bệnh.

 Mới đây, 90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ như Adidas, Coach, Gap, Nike... đã cùng ký vào một bức thư chung kiến nghị Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tăng tốc viện trợ vắc xin cho Việt Nam. Đây là thông tin rất tích cực thể hiện trách nhiệm của nhãn hàng quốc tế với các doanh nghiệp Việt Nam - vốn là một phần trong mắt xích chuỗi sản xuất của các tập đoàn trên. Nhưng mặt khác, điều này cũng thể hiện những nỗi lo, sốt ruột từ phía các tập đoàn đa quốc gia.

Khách hàng luôn có phương án dự phòng

Bà Hoàng Thị Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết các nhãn hàng trên đã rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong các tháng cuối năm. Nhất là khi vắc xin chưa về kịp, việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất, trong khi việc thực hiện 3 tại chỗ là không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng số lượng công nhân lớn.

1(2).jpg
Các doanh nghiệp may mặc với số lượng công nhân đông, diện tích nhà xưởng hẹp rất khó thực hiện “3 tại chỗ”

Theo đó, Vitas cũng kiến nghị các nhãn hàng có hành động đồng hành phối hợp cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vượt qua đại dịch, linh hoạt liên kết với các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và miền Bắc để thực hiện đơn hàng trước mắt. Bên cạnh đó, chia sẻ các kinh nghiệm về tăng năng suất lao động trong các nhà máy, trong bối cảnh phải cắt giảm lao động và thêm nữa phối hợp để cùng giải quyết vấn đề khủng hoảng container đang diễn ra trên toàn cầu.

Bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), nhìn nhận nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động thì việc bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là khó tránh khỏi. Nhiều khách hàng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là các tập đoàn đa quốc gia, họ có rất nhiều lựa chọn thay thế.

"Lúc nào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có nhà cung cấp thay thế, chỉ sau 1 tháng chúng ta đóng cửa có thể doanh nghiệp Việt sẽ mất đơn hàng vĩnh viễn, vì có doanh nghiệp thay thế khác trên toàn cầu lấp vào chỗ của chúng ta. Đây là câu chuyện không thể tránh khỏi trong dịch bệnh, chúng tôi chỉ mong nó kết thúc sớm", bà Bình nói.

2.jpg

Các Tập đoàn quốc gia luôn có phương án dự phòng về Nhà cung cấp

Ở một diễn biến liên quan, thời gian qua, việc thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" cũng đang phát sinh những bất cập. Theo thông tin từ Sở Công Thương Đồng Nai, hiện có 216 doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đề nghị cho giảm số lao động đang lưu trú tại nhà máy.

Số lao động được đề xuất tạm dừng công việc lên tới hơn 5,1 nghìn người. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” xin giảm lao động là do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các công ty không thể bố trí cho nhiều lao động lưu trú với thời gian dài từ 4 tuần trở lên.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tính đến ngày 30/6, 100% các đơn vị đã có đủ đơn hàng hết quý III, quý IV cũng đã có đơn hàng trên 75%. Chính vì vậy, việc không thể tổ chức sản xuất sẽ gây ra ảnh hưởng liên hoàn từ giao hàng trễ, khách hàng không tiếp tục đặt hàng các tháng 11, 12 cho năng lực sản xuất còn dư, nhất là xem xét việc đặt hàng năm 2022.

Cần thêm nhiều lựa chọn linh hoạt

Trước thực trạng trên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã đề nghị Bộ Y tế ngoài các quy định về hình thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, cần bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.

3.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra xe ra, vào các khu công nghiệp, các khu vực giãn cách

Đặc biệt, cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp, và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh (đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường).

Hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất, tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Đồng thời, Cục Công nghiệp cho rằng cần quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và các cơ sở y tế cũng như tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.

Quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.

4.jpg

Việc các địa phương đang trong vùng giãn cách xã hội có các giải pháp linh hoạt để doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch là rất cần thiết.

Về phía doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), đề xuất 3 giai đoạn áp dụng sản xuất trong thời gian dịch bệnh. Theo đó, giai đoạn 1, doanh nghiệp áp dụng không quá 30% công suất bình thường trong 2 tuần đầu.

Giai đoạn 2, rút kinh nghiệm giai đoạn 1 và đưa thêm người lao động trở lại làm việc nhưng không quá 50% công suất bình thường. Giai đoạn 3, chỉ thực hiện sau khi đánh giá rút kinh nghiệm giai đoạn 2, từ đó nâng tiếp số lao động lên nhưng không quá 70% công suất bình thường, cho đến khi địa phương cho phép trở hoạt động lại bình thường. Tuy nhiên, giải pháp chỉ được thực hiện với hiệu quả cao khi các DN tham gia đều được tiêm vắc xin ít nhất một mũi.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM - cho biết, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đề xuất cần cải tiến mô hình "3 tại chỗ" thành mô hình "2 tại chỗ, 1 vùng xanh" để công nhân có thể ăn uống, sản xuất tại chỗ nhưng về ngủ ở vùng xanh. Cụ thể, nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khách sạn… nhưng phải nằm trong vùng xanh, để thuận tiện cho xe đưa đón tập trung thông qua một cung đường nhiều điểm đón. Doanh nghiệp sẽ phối hợp với địa phương để hỗ trợ, củng cố vùng xanh.

Có thể thấy, việc các địa phương đang trong vùng giãn cách xã hội có các giải pháp linh hoạt để doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì được đơn hàng, tránh tình trạng đóng cửa để rồi vĩnh viễn ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hết sức khẩn trương nối lại chuỗi sản xuất bị đứt gãy