Sức Khỏe

Cần hành lang pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới

Nguyên Thảo 31/05/2023 - 14:39

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép lưu hành nhưng lại được bán phổ biến. Thực tế đang đặt ra yêu cầu siết chặt quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Lỗ hổng trong quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới

Sau 11 năm có luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTHCTL), Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh.

Luật Quảng cáo và Luật PCTHCTL Việt Nam hiện nay cấm tất cả các hình thức quảng cáo thuốc lá. Tuy nhiên, vì luật vẫn còn chưa quy định cụ thể cho thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), nên trong giai đoạn tranh tối tranh sáng này, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn đang lách luật để quảng cáo, bày bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok,… và các sàn thương mại điện tử. 

thuoc-la-2.png
Thuốc lá điện tử tại Việt Nam đang được bán trôi nổi với đa dạng mẫu mã, thương hiệu.

Điều đáng nói, dù không được trả tiền nhưng những Tiktoker, Youtuber, Facebooker đồng thời cũng là người dùng vẫn vô tư "review" (đánh giá) các sản phẩm thuốc lá điện tử, vốn gây nghiện và không an toàn, nhằm tăng lượt xem cho trang của mình.

Bàn luận về các chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới, ThS Lê Thị Thu - Quản lý Chương trình PCTHTL và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, thực tế, ngành công nghiệp thuốc lá đã lên một kế hoạch trên phạm vi toàn cầu với chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: Thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đỏng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ… Cùng với đó, ngành công nghiệp thuốc lá tiến hành giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo thuốc lá; tận dụng độ tuổi trẻ của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok... đồng thời, bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử.

ThS Thu nhấn mạnh, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều là sản phẩm độc hại mới. Ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các cách thức quảng cáo, tiếp cận nhắm vào giới trẻ. Hiện, tỷ lệ đang sử dụng, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam chưa cao nhưng có xu hướng gia tăng sử dụng ở Việt Nam và trên các nước, đặc biệt tăng tỷ lệ sử dụng trong thanh thiếu niên như Mỹ, Romania, Ý,…

Do đó, Việt Nam cần khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm này. Cơ quan chức năng cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo, buôn bán các sản phẩm này khỉ các sản phẩm này chưa được được phép lưu hành trên thị trường.

Tăng nguy cơ gây nghiện thuốc lá thông thường

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cảnh báo tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bởi trong đó có chứa rất nhiều chất độc hại như nicotine, kim loại, formaldehyde….

Ông Lâm phân tích, với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi đã thử sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử.

Trong thuốc lá điện tử có tới 15.000 loại hương vị, nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy; người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin…

truyenthogn.jpeg
Tăng cường tuyên truyền nói không với thuốc lá điện tử trong trường học.

Với thuốc lá nung nóng, các bằng chứng chỉ rõ, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc hại giống như từ khói thuốc. Khói thuốc nung chứa nicotine. Đây là chất gây nghiện mạnh và có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá.

Các hóa chất có trong thuốc lá nung bao gồm: Acrolein, Chemicals, Acetaldehyde, Carbon monoxide, Nicotine... Một số hóa chất này được xếp vào nhóm gây ung thư. Dù các hóa chất này ở nồng độ thấp hơn, nhưng chúng không làm giảm nguy cơ.

Chính vì vậy, theo ông Lâm, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp pháp lý và quy định khác để thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát, tăng cường các biện pháp cấm hoặc quản lý thuốc lá thế hệ mới phù hợp với bối cảnh quốc gia.

"Thuốc lá điện tử đã rất phổ biến trong giới trẻ, một phần do các đặc điểm thiết kế hấp dẫn, ví dụ như hình dạng USB, có nồng độ nicotine cao và khói gần như không nhìn thấy. Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lại gia tăng, qua 2 vòng điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên vào năm 2014 và 2018 ở các nước châu Âu cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm 13-15 tuổi đều có xu hướng tăng nhanh, cả ở nam và nữ", ông Lâm thông tin.

Nguy cơ ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tiếp phát đi những cảnh báo nguy hiểm của các loại ma túy trộn trong đồ uống, thực phẩm và tinh dầu thuốc lá điện tử, tuy nhiên thực tế, thuốc lá điện tử được rao bán tràn lan trên mạng và dễ dàng mua ở bất cứ đâu với đủ các loại hương vị mà người mua không hề biết bên trong điếu thuốc chứa những chất gì.

Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa "thuốc lá điện tử" thì ngay lập tức xuất hiện hàng chục cửa hàng chuyên buôn bán thuốc lá điện tử ở khắp các tỉnh, thành phố. Theo quảng cáo của các cửa hàng, thuốc lá điện tử có giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng, mỗi lọ tinh dầu để sử dụng khi hút thuốc lá điện tử có giá 300.000-500.000 đồng. Kèm theo hình ảnh về thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng như thỏi son, chiếc bút, viên đạn... là những lời quảng cáo hấp dẫn như: "Thơm, ngon đến hơi cuối", "Bao ngon, đậm vị", "Full 10 hương vị"...

Chính vì quảng cáo tràn lan, mua bán dễ dàng nên thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc phải cấp cứu do người dùng sử dụng các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử tẩm ma túy mà không biết.

hoc-sinh.jpeg
Học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 5 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn sau khi uống dung dịch trong thuốc lá điện tử. Sau khi các bác sĩ xét nghiệm mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu của bệnh nhi và dung dịch mà bệnh nhi đã uống, kết quả dương tính với loại ma túy tổng hợp mới là ADB-BUTINACA.

Trường hợp khác là nam bệnh nhân 12 tuổi, học sinh một trường THCS ở Hà Nội, đến khám trong tình trạng khó thở và co giật. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử gửi Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm. Kết quả, trong thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng có thành phần của một số chất gây nghiện khiến nam sinh ngộ độc.

Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc chất kích thích, trong đó có cả cần sa, ma túy tổng hợp được trộn trong thuốc lá điện tử. Đáng nói là chủng loại, tên gọi các loại ma túy đang thay đổi hằng ngày với hàng trăm hoạt chất khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người trẻ sau khi dùng ma túy bị "lão hóa não" với các triệu chứng từng gặp như xuất huyết não, tai biến mạch máu não, co thắt mạch máu não, gây ra thiếu máu não diện rộng dẫn đến tử vong. Không ít trường hợp trẻ sau nghiện ma túy vào viện được chẩn đoán thiếu máu lên não nghiêm trọng, thậm chí cả nửa bên não bị thiếu máu não, nặng hơn rất nhiều so với nguyên nhân thiếu máu não ở người cao tuổi.

"Các nghiên cứu lớn trên thế giới với hàng nghìn trẻ em cho thấy, thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống. Trong thuốc lá điện tử có nhiều thành phần khác là các loại hóa chất. Các chất này khi đốt cháy, nung nóng có thể tạo ra hàng chục chất, có thể gây ra những căn bệnh mới nổi như bệnh Evali ở Mỹ (tổn thương phổi do các sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc vaping)", bác sĩ Nguyên cho hay.

Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phải đối mặt với chất ma túy truyền thống từ tự nhiên như thuốc lá truyền thống, thuốc phiện, heroin, rượu… tạo những gánh nặng cho xã hội thì đến nay, thuốc lá điện tử khởi động mở màn cho xu hướng trào lưu gây ra những bệnh ngộ độc mới-ngộ độc hỗn hợp hóa chất nhân tạo tổng hợp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Cần khung pháp lý phù hợp để quản lý

Theo ông Vũ Hoài Linh - Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, một số quốc gia đang phân loại quản lý thuốc lá thế hệ mới theo mức độ tác hại của từng sản phẩm. Nhưng tại Việt Nam, chưa có khung pháp lý rõ ràng nào được ban hành để quản lý mặt hàng này.

Lượng tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, với khoảng 49.000 tỷ đồng/năm, chiếm 1% GDP. Trong đó, tỷ lệ chuyển từ thuốc truyền thống sang thuốc lá thế hệ mới rất nhanh. Thống kê của Viện Chiến lược Kinh tế cho thấy tỷ lệ chuyển đổi này trong giai đoạn 2015-2020 đã tăng 36 lần.

Theo ông Trần Văn Dũng, đây là lý do thuốc lá thế hệ mới vẫn được quảng cáo, bày bán, chứa trữ tại khu vực sinh hoạt, nơi ở trên địa bàn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...

"Khi khách hàng đến mua hàng hoặc hỏi về mặt hàng cụ thể thì các đối tượng kinh doanh mới mang hàng ra để giao dịch. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định rõ hình thức kiểm tra hay khám nơi cất giấu tang vật.

Việc bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được cụ thể địa điểm bán hàng, chứa trữ hàng hoá", ông Dũng cho hay.

thuoc-la-.jpeg
Lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Dưới góc độ người dùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung chia sẻ quan điểm: "Việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới đã xuất hiện bao nhiêu năm nay nhưng lại không có văn bản nào điều chỉnh vấn đề này. Trong khi đó, các nước đều có quy định rất chặt chẽ về quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thực tế cuộc sống không đợi chúng ta, đã đến lúc chúng ta ban hành văn bản quy phạm pháp luật về buôn bán, sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới . Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng".

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát tội phạm về ma túy, Bộ Công an, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý để quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.

Luật PCTHTL không quy định về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới chưa được phân loại hàng hóa, định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu…

Kể từ khi du nhập vào Việt Nam từ năm 2015, thuốc lá điện tử chủ yếu đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu, mua bán kinh doanh sản phẩm dưới nhiều hình thức.

"Chúng tôi ghi nhận gia tăng tình trạng ma túy "núp bóng" dưới hình thức các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường. Nổi lên là việc tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất kích thích, ma túy mới dưới dạng thảo mộc hoặc dung dịch để sử dụng dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Người sử dụng các loại hàng hóa pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng", ông Cương cho hay.

Để bảo vệ sức khỏe giới trẻ, phòng ngừa hiệu quả việc các đối tượng lợi dụng các sản phẩm thuốc lá mới để hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm thuốc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023 được WHO phát động với chủ đề "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá" nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Vừa qua, Bộ Y tế ban hành tại Công văn số 2723/BYT-KCB gửi các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Công văn số 2725/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.

Cùng với đó, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá cũng diễn ra một số hoạt động thiết thực như: Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá diễn ra vào ngày 27/5 tại Học viện Thanh thiếu niên; Giải chạy "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử" tại Công viên Thống nhất sáng 28/5; Giao lưu/Tọa đàm sinh viên nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử chiều 31/5, tại Đại học Công nghiệp; Tọa đàm tuyên truyền về "Tác hại của thuốc lá điện tử với thanh niên" (tuần 1 tháng 6)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hành lang pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới