Theo Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong 10 tháng năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, 800 vụ bị xử lý, trong đó có 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra.
Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 3,1 tỷ đồng và trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 5,6 tỷ đồng. Số lượng bao thuốc và tương đương bị xử lý gồm 23.931 bao thuốc lá và 4.000 sản phẩm các loại như thiết bị, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Trong giai đoạn 5 năm trước đó (2019-2023), các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.
Từ năm 2019 đến tháng 10/2024, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá lậu khoảng 48 tỷ đồng, số lượng tịch thu trong năm cao nhất là gần 700.000 bao thuốc lá các loại.
Riêng năm 2023 đã có khoảng 540 triệu bao thuốc lá nhập lậu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu thuế TTĐB gần 4.000 tỷ đồng.
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, ước tính bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước thất thoát khoảng 10.000 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá gây ra.
Kết quả này còn khá ít ỏi so với thực trạng của thuốc lá lậu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, các lực lượng chức năng cũng đã gặp nhiều khó khăn, thách thức từ phía ngoại biên lẫn trong nước.
Nguyên nhân của tình trạng buôn lậu thuốc lá chưa hề giảm này là bởi đây là loại hàng không rõ xuất xứ được bày bán công khai ở phía ngoại biên.
Với giá cả thấp, do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lớn như thuốc lá hợp pháp được cấp phép sản xuất tại Việt Nam, có rất nhiều kho hàng, bến bãi đã được hình thành dọc biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giếng, hoặc ở các địa điểm cơ động sát biên giới, nhằm giúp cho việc vận chuyển thuốc lá lậu được thực hiện rất nhanh chóng và thẩm lậu sâu vào Việt Nam.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến thực trạng thuốc lá lậu. Theo đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang), năm 2019, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao nhưng bước sang năm 2020 đã có hơn 5,1 triệu bao thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy và năm 2021 là gần 6,6 triệu bao.
Đáng chú ý, việc tăng mạnh lượng thuốc lá nhập lậu được bắt giữ và tiêu hủy như nói trên diễn ra đúng thời điểm sau khi tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá hợp pháp vào năm 2019 cũng đặt ra vấn đề, cần có thêm các giải pháp mạnh tay song hành để chống buôn lậu khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhanh và mạnh với thuốc lá hợp pháp trong nước.
Ủng hộ việc tăng thuế với thuốc lá hợp pháp sản xuất trong nước, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý, lộ trình tăng thuế nên giãn ra và tính toán hợp lý để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý thị trường có thêm thời gian chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng.
Đồng thời, sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu.
Về tình hình sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, hiệu suất hoạt động và kết quả đạt được còn hạn chế, chưa thực sự phát huy được nguồn lực của Quỹ này.
Từ thực tế nêu trên, có thể thấy việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần nhưng chưa đủ, cần phải có giải pháp tổng thể, xem xét đồng thời các công cụ đang có để phát huy hiệu quả từng công cụ, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Các giải pháp tổng thể này chính là để thuốc lá lậu không thể lợi dụng sự chênh lệch quá lớn do trốn được thuế. Có vậy việc chống buôn lậu thuốc lá mới có hiệu quả, vừa giảm được thuốc lá lậu đồng thời hạn chế được nguy cơ thẩm lậu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.