Đời sống

Cần đưa giá điện theo giá thị trường cả ở mua và bán

Quốc Huy 18/07/2023 18:04

Chính sách giá điện cho thị trường Việt Nam cần thực hiện theo cơ chế thị trường ra sao, là vấn đề được đặt ra tại hội thảo về nội dung này diễn ra sáng 18/7.

Nằm trong chương trình hoạt động giám sát chuyên đề của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát của UBTVQH phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”.

180720230832-ds_2.jpg

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi, đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam…

Giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng đã bám sát chủ trương của Đảng, có những bước phát triển nhanh chóng, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành năng lượng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Vì vậy, UBTVQH đã quyết định giám sát chuyên đề về vấn đề này và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Mục đích của hội thảo giúp Đoàn giám sát có thêm cơ sở để trình UBTVQH những đề xuất, kiến nghị “đúng” và “trúng” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có chính sách, pháp luật về giá và thị trường điện, hướng tới mục tiêu dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã phát biểu các vấn đề liên quan đến chính sách giá điện, thực trạng và giải pháp; thực trạng vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các chính sách phát triển điện năng lượng mặt trời…

Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo định hướng phát triển thị trường điện. Cùng với đó là thực hiện các mục tiêu như, giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện.

Theo đó, sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện theo từng mức điều chỉnh giá của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bổ sung quy định về chính sách giá điện theo vùng miền.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần đưa giá điện theo giá thị trường cả ở mua và bán mới có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế  và đời sống của người dân.

Theo PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Cao đẳng điện lực miền Bắc, mặc dù đã có Quyết định số 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, song việc điều chỉnh giá lại không diễn ra mang tính định kỳ hay quy định. Do đó, sau 4 năm không điều chỉnh, giá điện mới có đợt điều chỉnh gần nhất vào tháng 5/2023, nên đây không phải điều tiết giá theo tín hiệu của thị trường.

180720230923-ds_13.jpg
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Hồi, việc không điều chỉnh quá lâu sẽ dẫn tới giá điện không phản ánh tín hiệu của thị trường và nguy cơ lỗ lớn có thể xảy ra. Như vậy EVN không có khả năng tái đầu tư mở rộng hệ thống điện và không có khả năng thanh toán cho các đơn vị bán điện, dẫn tới nguy cơ an ninh trong cung cấp điện không được đảm bảo. Thêm nữa, việc không điều chỉnh giá sẽ gây áp lực lớn cho nền kinh tế, các hộ tiêu dùng và thực thi lộ trình tái cấu trúc ngành điện.

Phát biểu cuối hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khằng định, Nhà nước vẫn phải tiếp tục điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, dù chúng ta có hình thành thị trường bán lẻ điện  thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát.

Thực tế cho thấy, giá năng lượng, giá điện luôn được Trung ương xác định phải theo thị trường, dần dần xoá bỏ bù chéo. Cơ cấu ngành điện thế nào thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát, kiểm soát ở mức nào đó để tăng sự cạnh tranh, minh bạch.

Về giá điện, không phải chi phí của riêng EVN, mà là chi phí toàn ngành, của các loại hình doanh nghiệp tham gia vào hoạt động điện lực cho tới khâu bán lẻ cuối cùng. Giá điện phải tối ưu nhất và thực sự minh bạch dù là Nhà nước hay tư nhân làm. Do vậy, giải pháp tới đây sẽ phải tiếp tục sửa đổi Luật Điện lực, trong đó luật hoá việc điều hành giá điện, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, chính sách giá điện của Việt Nam thời gian qua đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Việc tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng. Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm, nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng điện. Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn một số bất cập, có ý kiến cho rằng cần rà soát, đánh giá lại việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ điện…

180720230100-z4526321206990_bde41bda8e53867ddae0d40242809fde.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, những tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc về giá điện, thị trường điện hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Vì vậy, cần có cách làm mới, giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục cùng với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo để xây dựng Báo cáo tổng thuật, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát. Trong đó đặc biệt quan tâm những đề xuất thật sự thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam trước mắt, cũng như lâu dài…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đưa giá điện theo giá thị trường cả ở mua và bán