Sức Khỏe

Cần đi bộ bao nhiêu bước mỗi ngày để giảm nguy cơ bệnh tật?

Chí Tâm 18/09/2023 - 17:15

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch, kiểm soát cân nặng, hạn chế ăn muối, mỡ động vật, hạn chế bia rượu, đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày và kiểm tra thường xuyên huyết áp sẽ giúp trái tim khỏe mạnh.

Theo thống kê, mỗi năm, bệnh lý tim mạch bao gồm cả đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu thế giới, cướp đi 19,5 triệu sinh mạng (theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022). Tử vong do bệnh tim mạch lớn hơn cộng gộp cả 3 nguyên nhân gây tử vong sau đó gồm ung thư (10 triệu), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (3,97 triệu), đái tháo đường (1,55 triệu).

dibo.jpeg
Đi bộ là cách tập luyện được nhiều người lựa chọn

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho hay, kể cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra, theo số liệu năm 2021 thì Covid-19 chỉ là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 3, còn nguyên nhân gây tử hàng đầu vẫn là bệnh tim mạch. Một thực tế đáng lo ngại nữa là tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm tới 75%).

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Theo thống kê của Viện Tim Mạch qua các năm từ 2000 - 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%. Như vậy, cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp.

PGS Hùng nhấn mạnh, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh. Bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn nhiều người nghĩ. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào, độ tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá.

Người trẻ thường cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội.

Các chuyên gia cho cho rằng những thói quen có hại cho tim mạch là lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress) và có cả sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng, chữa bệnh là các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, mỗi người nên: Kiểm soát cân nặng, giảm cân nặng (nếu thừa cân); không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều mỡ động vật; không ăn mặn (dưới 6 gr muối/ ngày); ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế bia, rượu; đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày.

"Tập thể dục để tốt nhất cho tim mạch là vận động ở cường độ vừa đến mạnh chứ không quá mạnh. Lúc này, cơ thể vừa đủ sức chịu đựng, hơi vã mồ hôi nhẹ là vận động tốt nhất cho tim phổi. Nên vận động 30-60 phút mỗi ngày. Các phương pháp đi bộ nhanh, hoặc bơi, tập aerobic (với cường độ vừa phải), hay tập yoga, đạp xe... là những biện pháp được khuyến khích tốt cho tim mạch", PGS Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đi bộ bao nhiêu bước mỗi ngày để giảm nguy cơ bệnh tật?