Dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được đại biểu QH thảo luận tại tổ trong ngày hôm nay 3-11. Trong báo cáo thẩm tra Dự án luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH (Ủy ban) đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH.
Xã hội hóa giáo dục đại học
Theo Ủy ban, Dự thảo Luật vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở GDĐH, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận và các cơ sở GDĐH tư thục vì lợi nhuận hợp lý…, đồng thời, chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Giáo dục hiện hành (luật chung) và Luật GDĐH (luật chuyên ngành); một số điều, khoản thay vì phải được quy định cụ thể ngay trong Luật thì lại được giao cho các văn bản dưới luật sẽ gây khó khăn và chậm trễ cho việc triển khai thi hành Luật trong thực tiễn.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban đề nghị cần làm rõ thêm về mức độ điều chỉnh, bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là cán bộ, viên chức quản lý GDĐH và công tác quản trị của cơ sở GDĐH.
Ảnh minh họa
Ủy ban đề nghị bổ sung thêm chính sách, cơ chế phù hợp về thuế, đất đai xây dựng trường, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ đào tạo cán bộ, giảng viên,… nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH hoạt động phi lợi nhuận và định hướng, điều chỉnh hoạt động của các cơ sở GDĐH vì lợi nhuận hợp lý nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục; đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này của Luật.
Dự án Luật cũng cần quy định các khoản hiến tặng của tổ chức và cá nhân cho các cơ sở GDĐH công lập hoặc các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận thì được miễn thuế. Đây là chính sách quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDĐH công lập và các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận phát triển.
Đồng thời với việc đẩy mạnh xã hội hóa, cần phải bảo đảm công bằng xã hội trong GDĐH. Ủy ban cho rằng Dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc bình đẳng về cơ hội và điều kiện tiếp cận với GDĐH của mọi công dân có nguyện vọng được học cao đẳng, đại học. Ngân sách nhà nước không phân phối theo kiểu bình quân, cào bằng mà tập trung ưu tiên cho các cấp giáo dục phổ cập và giáo dục đại trà, cho đào tạo nhân tài và các ngành học theo nhu cầu của Nhà nước (sư phạm, văn hóa truyền thống, khoa học cơ bản,…), cho giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa cũng như hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, gia đình nghèo. Mặt khác, cần phát triển các dịch vụ giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội theo tinh thần tự nguyện.
Kiểm định chất lượng đào tạo đại học: cần có chuẩn quốc gia
Theo Uỷ ban, các quy định liên quan đến vấn đề này trong Dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đủ cụ thể và cũng chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ sở GDĐH trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo.
Ủy ban đề nghị quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc đối với cơ sở GDĐH và áp dụng các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc, kiểm định chất lượng tự nguyện. Cần quy định rõ trong Luật về quy trình, chu kỳ kiểm định, quy trình công khai hóa kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; chính sách ưu tiên, khuyến khích cơ sở GDĐH tham gia kiểm định chất lượng đào tạo; quy định việc sử dụng kết quả kiểm định làm căn cứ để phân loại chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu KH-CN và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH cũng như chế tài đối với cơ sở GDĐH không đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, cần có các quy định cụ thể hơn về điều kiện thành lập và thẩm quyền công nhận, cho phép hoạt động đối với các cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục độc lập; việc công nhận kết quả kiểm định chất lượng đào tạo giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; giải quyết tranh chấp về kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên...
Ủy ban cũng đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. Theo đó, Luật cần quy định chỉ cho phép thực hiện những chương trình đào tạo bảo đảm yêu cầu về chất lượng tối thiểu và khuyến khích các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế về chất lượng GDĐH.
Trung Kiên