Pháp luật

Cần cơ chế pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới

Nguyên Bình 05/07/2023 - 23:54

Kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới ra sao và bằng cơ chế pháp lý nào là nội dung mà Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 5/7 đặt ra.

Thực trạng thị trường thuốc lá nói chung

Hội thảo đã đề cập đến tình trạng sử dụng loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử) có chiều hướng tăng, nhưng Việt Nam còn thiếu các chế tài quản lý đối với loại sản phẩm này. Bên cạnh đó, hội thảo cũng cập nhật những trao đổi mới nhất giữa các bộ ngành liên quan về chính sách kiểm soát hiệu quả các sản phẩm thuốc lá mới, để hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, cũng như phù hợp với chủ trương của Chính phủ sau Quyết định số 568/QĐ-TTg.

z4489924959231_17daae6b680c3a7cacdb77ff9d5116d6.jpg
Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp tổ chức.

Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế Bộ Tài Chính, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và một số cơ quan liên quan…

Đại diện cho Bộ Công Thương, ông Trần Thành Trung - Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp cho biết, cơ quan này đã đề xuất Chính phủ quản lý đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới. Năm 2022 và 2023, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã phối hợp và có 2 cuộc làm việc chính thức để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 67, trong đó có đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá.

Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các qui định khác liên quan và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo ông Trung, các tài liệu của WHO đã công nhận sự tồn tại của các sản phẩm thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác và đưa ra khuyến cáo các quốc gia nên quản lý sản phẩm theo Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Đại diện cho cơ quan thẩm định pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ quan điểm: “Thuốc lá làm nóng bao gồm các điếu thuốc ngắn và dùng thiết bị điện tử để làm nóng tạo ra nicotine; còn thuốc lá điện tử chỉ chứa dung dịch, dễ có khả năng bị trộn lẫn nhiều chất vào.

Theo khuyến nghị của WHO, thuốc lá làm nóng cần quản lý theo luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường. Đó là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012.

Xét trên góc độ luật trong nước, luật cũng đã nêu rõ đối với các sản phẩm chứa thuốc lá thì cần chịu sự kiểm soát dưới luật. Ngoài Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) năm 2012, còn có Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định 67/2013 làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng. Chúng ta cần tập trung quản lý để loại bỏ những sản phẩm nhập lậu bị lợi dụng để đưa chất cấm vào, bị kẻ gian dụ dỗ tiếp cận học sinh ở trường học. Đó là giải pháp quản lý hữu hiệu.

z4489926526726_ee0e0ca16fd72caab35be64c1fcde3c5.jpg
Đại biểu tham dự Hội thảo.

Cần cơ chế pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới

Liên quan đến các tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá mới, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm, VSQI, Bộ Khoa học - Công nghệ nhắc lại 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng do Bộ Khoa học – Công nghệ ban hành năm 2020, và 4 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hóa hơi, trong đó có thuốc lá điện tử.

Ông Hưng cũng nhắc lại sự khác biệt cơ bản giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử và xác nhận cho đến tháng 7/2021, đã có 184/195 quốc gia thành viên của WHO đưa mặt hàng thuốc lá làm nóng vào quy định quản lý các sản phẩm thuốc lá (hoặc sản phẩm khác) theo luật hiện hành.

Ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đề cập các quyền lợi của người dùng, cụ thể là người hút thuốc, đồng thời cũng nhấn mạnh sự tuân thủ của ngành đối với hệ thống pháp luật.

Theo đó, ông Nhân nhận định: “Người hút thuốc lá cần có quyền tiếp cận với các loại thuốc lá thế hệ mới, giảm thiểu tác hại. Đề xuất Chính phủ sớm ban hành các chính sách quản lý phù hợp. Thị trường hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, tuy nhiên với sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây thì việc chậm ban hành chính sách sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý. Các đơn vị trong Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cam kết tuân thủ các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thuốc lá thế hệ mới như cách chúng tôi đang thực hiện với thuốc lá truyền thống”.

Chia sẻ về tầm quan trọng của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, UBTVQH đánh giá: Hiện nay chưa có sản phẩm thuốc lá nào là không độc hại, thì phải có các chính sách để quản lý theo hướng, chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng, quản lý hàng hóa và quan hệ đối ngoại - phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về môi trường theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

z4489926498500_5c7f80043bf7baf98ac5cb5c30f28b9a.jpg
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH phát biểu tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá theo hướng cơ quan quản lý cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới. Bởi, nếu chỉ vì quản lý thuốc lá điện tử không được, rồi cấm cả thuốc lá làm nóng thì không phù hợp. Do vậy cần có chính sách điều chỉnh kịp thời.

Tổng kết Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành liên quan đều nhấn mạnh việc đưa các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử chịu chế tài của pháp luật, không đặt lợi ích kinh tế, nguồn thu của Nhà nước làm trọng tâm. Thay vào đó, mục tiêu chính là để kiềm chế sự lan rộng các sản phẩm này bằng hàng rào pháp lý trên cơ sở bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Do đó, việc hợp pháp hóa sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử một cách có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan là cần thiết và cấp bách, để từ đó đặt nền móng pháp lý cho việc ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm tội bao gồm buôn lậu, tiếp cận trái phép đến giới trẻ và những người đã cai thuốc, cũng như những tuyên bố khoa học chưa được kiểm chứng, quảng cáo trá hình...

Đây cũng chính là những mục tiêu mà WHO đã đặt ra nhằm chống bình thường hóa việc hút thuốc. Việc sớm hiện thực hóa điều này sẽ giúp đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá đều chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho xã hội, tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trước thềm COP10 sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới