Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong năm 2014, có 50 cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương khởi kiện 5.832 đơn vị, với số tiền nợ đọng BHXH là 2.445 tỷ đồng, thu hồi được 621 tỷ đồng...
Hàng loạt DN nợ BHXH bị khởi kiện
Ngày 17/3/2015, TAND TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi tiền bảo hiểm xã hội giữa nguyên đơn là BHXH TP.HCM và bị đơn là Công ty cổ phần A74 (trụ sở tại khu phố 1, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Tháng 8/2014, vụ án được đưa ra xét xử. TAND quận Thủ Đức tuyên buộc Công ty cổ phần A74 phải thanh toán toàn bộ số tiền bảo hiểm còn nợ đọng là 828,6 triệu đồng (tính đến ngày 26/8/2014). Bản án cũng nêu rõ công ty sẽ phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định nếu chậm thi hành án.
HĐXX phúc thẩm phân tích việc đóng bảo hiểm là nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Theo quy định pháp luật lao động, hàng tháng doanh nghiệp vẫn trích một phần lương của người lao động để đóng bảo hiểm, việc doanh nghiệp chiếm dụng khoản tiền trên mà không đóng bảo hiểm và vi phạm pháp luật. Từ đó, sau khi nghị án, tòa nhận định kháng cáo của bị đơn, buộc Công ty A74 phải trả toàn bộ số tiền 828,6 triệu đồng cho BHXH TP.HCM ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Đó là một trong số nhiều vụ kiện đòi tiền BHXH đã được Tòa án giải quyết trong thời gian qua. Trong năm 2014, trên địa bàn TP.HCM có hơn 40.000 doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định. Tổng số tiền các doanh nghiệp trên địa bàn TP nợ đóng bảo hiểm là 1.455,6 tỉ đồng, trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 1.146,1 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 42 tỉ đồng, nợ bảo hiểm y tế 267,5 tỉ đồng.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã cho biết, hiện trên địa bàn thành phố đã có 551.554 đơn vị tham gia bảo hiểm. Trong năm qua, Bảo hiểm xã hội TP đã cố gắng phát triển thêm 8,5 nghìn đơn vị tham gia bảo hiểm cho hơn 52.000 lao động. Tuy nhiên, so với thực tế chỉ mới phủ được 44,63%, còn lại số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia bảo hiểm đang rơi vào các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm hoặc người lao động tự do. Điều đáng nói, các doanh nghiệp này vẫn trừ tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, nhưng lại không chịu đóng, chiếm dụng tiền của người lao động.
Ông Sang cho hay trong năm vừa qua, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã kiện 1.717 doanh nghiệp thu hồi được gần 130 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền trên chỉ mới được 27,1% trên tổng số nợ.
Cần chủ động khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Theo số liệu của BHXH Việt Nam: Trong năm 2014, có 50 BHXH địa phương khởi kiện 5.832 đơn vị, với số tiền nợ đọng BHXH, BHYT là 2.445 tỷ đồng, thu hồi được 621 tỷ đồng...
Cần chế tài đủ mạnh
Tại một hội thảo gần đây, đại diện Tổng LĐLĐVN nêu tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT đang trở nên báo động, khi mà số lượng DN trốn hoặc nợ bảo hiểm tăng lên. Điều này khiến mục tiêu đặt ra năm 2020 có trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH ngày càng xa vời.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, cho biết, một số LĐLĐ đã khởi kiện hoặc hướng dẫn người lao động lập hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT ra tòa, nhưng do không nắm được số DN, số người tham gia BHXH, số tiền DN nợ BHXH và cả số lãi chậm đóng nên số lượng LĐLĐ khởi kiện DN chưa nhiều. “Việc khởi kiện vẫn còn gặp khó khăn về thủ tục và thời gian nộp hồ sơ, nhưng điều đáng lo ngại hơn là nhiều DN sau khi tòa đã xử cũng không có tài sản để thi hành án khiến khoản nợ BHXH cứ “treo” và quyền lợi của người lao động thì vẫn không được giải quyết” - ông Chính nhấn mạnh.
Theo BHXH Việt Nam, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới chỉ có gần 11 triệu LĐ tham gia BHXH bắt buộc. Còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT. Điều này cũng đồng nghĩa việc trên 5 triệu người này đã mất quyền an sinh xã hội cơ bản.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện có trên 300.000 DN hoạt động nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH. Như vậy, có đến 50% số DN trốn đóng BHXH. Nếu không có biện pháp quyết liệt buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ khó đạt được trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam: “Ngay cả khi khởi kiện thì tỉ lệ thu được nợ cũng không cao. Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, từ năm 2010 - 2013 đã khởi kiện gần 4.000 vụ, tổng số tiền thu được chỉ là 736 tỉ đồng, trên tổng số 1.788 tỉ đồng tiền nợ”.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng, Luật Bảo hiểm còn nhiều kẽ hở, quy định xử phạt, chế tài còn chưa nghiêm minh, không đủ sức răn đe. Hiện nay, mức phạt chậm đóng bảo hiểm theo quy định còn quá thấp so với lãi suất ngân hàng cho vay nên các doanh nghiệp đang cố tình chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội.
Từ thực trạng nói trên, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia BHXH, có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, đảm bảo tính khả thi, ổn định của chính sách và cân đối Quỹ BHXH. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động….
Ông Mai Đức Chính kiến nghị, khi sửa Luật BHXH, dự thảo Luật bổ cần sung cho tổ chức Công đoàn quyền khởi kiện các DN vi phạm pháp luật BHXH ra tòa, đây cũng chính là thêm trách nhiệm giám sát cho tổ chức Công đoàn.
Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần chủ động hơn trong việc lập hồ sơ khởi kiện ra Tòa án đối với những đơn vị, doanh nghiệp chây ì, nợ tiền BHXH với số lượng lớn, thời gian nợ kéo dài.