TP.HCM hiện có hơn 65.000 căn nhà ven kênh rạch. Qua nhiều kế hoạch, dự án, đến nay thành phố chỉ mới di dời được hơn 38.000 căn. Thành phố có 2 dự án cải tạo, chỉnh trang, di dời nhà ven kênh rạch, được kỳ vọng mang lại hiệu quả lớn, với mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 di dời 6.500 căn. Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ di dời nhà ven kênh rạch còn chậm, hàng chục ngàn hộ dân vẫn sống lay lắt, tạm bợ, đối mặt với nhiều nguy hiểm. Đa số nhà ven kênh rạch tại TP.HCM đều thuộc diện nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn gặp nhiều khó khăn. Khu vực tập trung nhiều nhà lụp xụp, tạm bợ gồm rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), kênh Đôi, kênh Tàu Hủ (quận 8), kênh Tẻ (quận 4)... những căn nhà ở đây chủ yếu được dựng tạm bợ bằng gỗ, tôn, mật độ san sát nhau, thậm chí lấn ra bờ kênh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phòng cháy chữa cháy (PCCC)... Rạch Xuyên Tâm có chiều dài hơn 6km, nối từ sông Vàm Thuật đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp, nơi có hàng ngàn hộ dân đang sinh sống. Hồi tháng 5/2002, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với kinh phí khoảng 123 tỷ đồng, nhưng sau đó dự án không được thực hiện. Đến tháng 10/2023, UBND TP.HCM tiếp tục phê duyệt dự án với tổng mức hơn 9.600 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 6.339 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và chi phí khác. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án rạch Xuyên Tâm chạy qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Trong đó, dự án qua quận Bình Thạnh sẽ được khởi công tháng 4/2025, còn dự án qua quận Gò Vấp sẽ được khởi công vào tháng 8/2024. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, gây mất cảnh quan đô thị, nhà tạm bợ ven kênh rạch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Trong hình, cận cảnh một ngôi nhà ven rạch Xuyên Tâm. Rác thải ngập tràn kênh rạch TP.HCM, nhất là sau những trận mưa lớn, mặt kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề bởi mùi rác và cá chết. Đây là một thực trạng đáng báo động về môi trường ở TP.HCM. Người dân sinh sống ven kênh rạch chủ yếu là công nhân, các gia đình nghèo, dân tứ xứ từ các tỉnh, thành, họ làm đủ nghề để mưu sinh như bán vé số, thu mua phế liệu... hầu như họ đều trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước để tạo lập chỗ ở mới. Những khu nhà ổ chuột bị bao quanh bởi rác thải, mùi hôi thối. Thời gian qua, TP.HCM xảy ra nhiều vụ cháy ven kênh rạch, mới đây nhất là vụ cháy ở ven kênh Tàu Hủ, quận 8 khiến người dân khiếp sợ. Vụ hoả hoạn đã thiêu rụi nhiều căn nhà cùng tài sản của người dân. Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, có 2 khó khăn chính liên quan đến việc di dời nhà ven kênh rạch, đó là nguồn vốn ngân sách và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, tuy nhiên thành phố cần có những cơ chế đặc thù, đột phá để thực hiện một cách đồng độ, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Thời gian tới, hy vọng chính quyền TP.HCM sẽ quyết liệt, đột phá hơn trong việc thực hiện các giải pháp di dời nhà ven kênh rạch để đảm bảo việc an cư cho người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp.
Giao các nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phát triển lĩnh vực bán dẫn là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được, trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chiến lược của Việt Nam.