32 "ông cầu" năm nay với những đòn đánh cực hiểm như đòn đánh bổ đao, móc mắt, móc hầu… đã đem đến cho khán giả ngày hội đầy cảm xúc.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 TCN. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc.
Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm Thành Hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Truyền rằng, các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiệt, sức khỏe hơn người chính vì thế mà người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.
Hàng năm vào ngày 16 và 17 tháng Giêng Âm lịch, tại xã Hải Lựu lại tưng bừng diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống. Bất chấp trời mưa phùn, trên năm vạn khán giả vẫn đổ về sới chọi khiến cả bốn khán đài chật kín để được tận mắt xem các "ông Cầu" - cách gọi sau khi trâu đã được cúng sống Thành Hoàng làng, thi tài. Lễ hội năm nay có 32 "ông cầu" tham gia thi đấu ở các trận đấu loại, sau đó những trâu thắng sẽ được vào vòng trong đấu tiếp và thi đấu vòng tròn để tranh giải nhất và nhì.
Trong ngày thi đấu khai mạc có 16 cặp tranh tài, sau đó những con thắng được đi tiếp vào vòng trong. Trâu chọi năm nay, được các chủ trâu trong địa phương tuyển chọn rất kỹ lưỡng từ nhiều vùng miền khác nhau, như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái… Sau đó được chăm sóc và tập luyện theo một chế độ đặc biệt.
Theo tìm hiểu, chế độ cho ăn mỗi ngày của trâu chọi là 100 kg cỏ, 5 kg cám ngô, cám gạo và 1-2 kg mật mía. Hàng ngày, các chủ trâu còn phải đưa trâu ra ngoài đồng để huấn luyện khoảng 1-2 tiếng, xuống bãi bùn luyện húc bờ cao, xuống ruộng thấp luyện miếng đánh thấp rồi đưa trâu ra sông, hồ tắm rửa sạch sẽ. Trước ngày khai Hội (15 tháng Giêng), các chủ trâu tiến hành lễ trình trâu lần cuối tại nơi thờ Thành hoàng làng. Sau khi lễ, trâu đợi đến giờ vào sới thi đấu.
Theo giới chuyên môn đánh giá những trâu có tầm vóc to lớn, trường trâu, mình chắc, da dày, mắt lồi, mi dày, thấp quản, đầu hướng tiền, sừng cánh đá là những trâu được đánh giá cao. Đặc biệt, trâu nào có khoáy tam tinh - khoáy tròn giữa đỉnh đầu, trên mí mắt là rất quý bởi kinh nghiệm cho thấy sẽ hiếu chiến và thi đấu hay.
Những cuộc chiến "nảy lửa" tại lễ hội:
Bất chấp trời mưa phùn, hàng vạn khán giả vẫn chen chúc nhau đổ về sới chọi để được tận mắt chứng kiến trận đấu giữa các "ông Cầu”
Những khán giả nhí cũng có mặt đông dủ
Các chủ trâu dẫn trâu vào sới chọi
Những cặp trâu hăng hái mới vào sới chọi đã lao vào nhau quyết "một mất một còn"
Miếng đánh hiểm ác
Húc thẳng sừng vào bụng không để "đối thủ" chạy thoát
Những con trâu yếu hơn bị rượt đuổi quanh sới cho đến khi trọng tài xử thua cuộc
Chủ trâu ra bắt trâu về
Những con trâu chiến thắng nhưng cũng mang trên mình nhiều thương tích, những con trâu này sẽ tiếp tục được cho ra ngoài dưỡng sức để tiếp tục thi đấu ở vòng sau
Tất cả các "ông Cầu" dù thắng hay thua cũng đều được đem ra giết thịt. "Thua trước thịt trước, thắng thịt sau". Thịt trâu vòng loại có giá từ 500 - 800 nghìn đồng, trâu vô địch sẽ có giá cao hơn rất nhiều.