Sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật Cảnh sát cơ động được soạn thảo công phu, nghiêm túc, cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập sau 8 năm thi hành Pháp lệnh cảnh sát cơ động.
Các đại biểu cũng đồng tình với quan điểm, chủ trương, sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu cho rằng ban hành luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện pháp lệnh; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động trong tình hình mới.
Cân nhắc trang bị tàu bay cho Cảnh sát cơ động
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý một số nội dung để hoàn thiện dự thảo luật.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng, các quy định tại Điều 23 chưa đủ rõ ràng về chính sách đặc thù đối với cảnh sát cơ động. Nhiều quy định còn chung chung giống các lực lượng khác của công an nhân dân, chưa thấy chế độ ưu tiên thực sự khác biệt giữa các lực lượng về con người, tổ chức và cơ sở vật chất. Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung về nội dung này.
ĐBQH Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp cho rằng, quy định về trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động là không hợp lý. Bởi lực lượng phòng không không quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển. Theo đại biểu, chúng ta có thể sử dụng lực lượng và phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết để có sự phối hợp? Quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, cảnh sát cơ động khi cần thiết để làm nhiệm vụ.
Nếu trang bị tàu bay, sân bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động sẽ gây tốn kém ngân sách, sau đó lại phải trang bị kỹ thuật, huấn luyện thường xuyên kỹ thuật sân bay, tàu bay riêng. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có điều kiện chính trị, trật tự xã hội ổn định. Những vấn đề như khủng bố, biểu tình, bạo loạn ở nước ta so với các quốc gia khác trên thế giới là hiếm và sẽ rất ít xảy ra. Cho nên, khi cần thiết bị, trang bị có thể sử dụng các phương tiện của quân đội sẽ hợp lý hơn, tiết kiệm kinh phí của nhà nước, đại nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, CSCĐ thuộc Công an nhân dân chỉ là lực lượng phối hợp với Quân đội nhân dân trong việc duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển của đất nước. Tuy nhiên, tại Điều 9 dự thảo Luật lại chưa quy định rõ ở phạm vi địa bàn nào, CSCĐ là lực lượng chủ trì; còn ở địa bàn nào, CSCĐ là lực lượng phối hợp thực hiện. Như vậy dễ bị chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng nên cần rà soát, bổ sung cho phù hợp.
Về vấn đề trang bị "tàu bay" cho CSCĐ, đại biểu Hùng cho rằng đây là vấn đề mới của lực lượng CSCĐ, phải có đào tạo, huấn luyện thật kỹ thì mới tổ chức thực hiện được. Trong khi đó trang bị tàu bay thì chi phí ban đầu rất lớn, nhất là duy trì bảo đảm hoạt động nên rất cần nhiều nguồn lực con người, cơ sự hạ tầng, vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét quyết định.
Tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ
Về chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ĐBQH Dương Văn Thăng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chức năng, nhiệm vụ này không chỉ do lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện. Do vậy, nếu giữ nguyên như nội dung dự thảo Luật hiện nay, có nguy cơ xảy ra trùng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng.
Đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật, là “lực lượng vũ trang nhân dân” và “chuyên trách”. Vì cụm từ “Là lực lượng vũ trang nhân dân”: Khoản 1 Điều 23 Luật Quốc phòng 2018 quy định “lực lượng vũ trang nhân dân gồm có: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ”. Do vậy, chỉ cần quy định “Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân” như Pháp lệnh năm 2013 là đã thể hiện đầy đủ nội hàm về vị trí rồi.
Còn về cụm từ “Chuyên trách”: Điều 22 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia không bao gồm Cảnh sát cơ động. Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển”...
Về quyền hạn của CSCĐ, ĐBQH Dương Văn Thăng đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ lý do, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn để bổ sung quyền hạn như tại khoản 2 Điều 11: “Việc mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lên tàu bay, tàu thuyền do Bộ Quốc phòng quản lý phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan”. Theo đại biểu Thăng, thực tiễn cho thấy, các trường hợp cần phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng thì Cảnh sát Cơ động có thể mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lên tàu bay, tàu thuyền do Bộ Quốc phòng quản lý.
Tại Điều 18 dự thảo quy định: Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp cấp bách (chỉ loại trừ phương tiện, thiết bị của cơ quan ngoại giao, lãnh sự và tổ chức quốc tế). Quy định như trên vẫn còn chung chung. Đây là nội dung liên quan trực tiếp quyền của các tổ chức, cá nhân cụ thể từ công dân, pháp nhân đến các đơn vị đặc thù trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các lực lượng như y tế, lực lượng phản ứng khẩn cấp, lực lượng vũ trang.
Theo đại biểu Dương Văn Thăng, cần bổ sung quy định chi tiết những người nào, những phương tiện, trang thiết bị cụ thể nào, của ai, lực lượng nào Cảnh sát cơ động được phép huy động, và có quy định loại trừ việc huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng (nhất là địa bàn trên biển, trên không, khu vực biên giới) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phạm vi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng liên quan.
Về quy định về trang bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát cơ động, tại khoản 2 Điều 22 quy định Cảnh sát cơ động được trang bị “...tàu bay, tàu thuyền... ” và Điều 29 dự thảo Luật còn giao Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm bố trí quỹ đất xây dựng sân bay, kho tàng, bến bãi cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Đây là một chính sách phát sinh kinh phí lớn của dự thảo Luật nhưng trong Hồ sơ dự án Luật không có báo cáo đánh giá tác động. Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc nội dung này, đại biểu đề nghị.