Cán bộ xã không đồng ý nhập hộ khẩu về gia đình nhà chồng, phải làm thế nào?

Ls Ngô Thủy, Phó trưởng VPLS Interla| 17/11/2019 07:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi muốn chuyển hộ khẩu từ gia đình mình về gia đình người đang chung sống như vợ chồng. Tuy nhiên, cán bộ công an xã không đồng ý thì phải làm như thế nào?

Hiện nay tôi chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn về sống với người khác như vợ chồng do đó chưa có đăng ký kết hôn. Nay tôi  muốn chuyển hộ khẩu từ gia đình mình về gia đình người đang chung sống như vợ chồng. Tuy nhiên, cán bộ công an xã không đồng ý cho tôi được nhập hộ khẩu. Vậy xin luật sư cho biết, việc làm của cán bộ công an xã là đúng hay sai?

Độc giả Nguyễn Thị Mùi 

Trả lời: Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Cán bộ xã không đồng ý nhập hộ khẩu về gia đình nhà chồng, phải làm thế nào?

Theo quy định tại Điều 23 của Luật cư trú năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013 thì người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

Chỗ ở hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP bao gồm:

- Nhà ở;

- Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân;

- Nhà khác không thuộc hai loại trên nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp được xác định theo Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 35/2014/TT-BCA.

Mặt khác, theo quy định của Luật cư trú thì chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Như vậy, khi có sự thay đổi về chỗ ở hợp pháp, trong thời gian nhất định là 12 tháng, công dân phải tiến hành làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

Xét đối với trường hợp trên việc bạn muốn chuyển đến ở nhà người chồng (chưa đăng ký kết hôn) là đã có sự thay đổi chỗ ở, do đó bạn phải tiến hành thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Vì trong các thông tin trên chưa nêu rõ bạn bạn muốn đăng ký nhập hộ khẩu thường trú vào tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương nên chưa thể xác định rõ việc cán bộ công an xã trả lời có phải đúng thẩm quyền hay không. Nếu bạn nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương thì thẩm quyền giải quyết hồ sơ của bạn phải thuộc về cơ quan công an cấp huyện, nếu bạn đăng ký nhập hộ khẩu tại tỉnh thì thẩm quyền thuộc về cơ quan công an cấp xã.

Nếu đúng thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan công an xã thì tùy từng trường hợp, trả lời của cán bộ công an xã đối với việc đăng ký thường trú của bạn được xác định như sau:

Trường hợp 1: Bạn đăng ký nhập hộ khẩu với lý do nhập vào hộ khẩu nhà chồng: Trong trường hợp này, nếu bạn đưa ra lý do đã tổ chức kết hôn với người chồng (chưa đăng ký kết hôn) để nhập hộ khẩu và trong hồ sơ xin nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) không cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (hợp đồng thuê hoặc mượn hoặc ở nhờ và Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên cho thuê - ở đây là nhà người chồng; văn bản của nhà người chồng đồng ý cho ở nhờ, thuê…) thì trả lời của cán bộ cơ quan công an xã là hoàn toàn hợp lý và có căn cứ bởi vì:

+ Một là, bạn chưa đăng ký kết hôn với người chồng đang sống cùng với mình;

+ Hai là, bạn chưa thực hiện đúng thủ tục về đăng ký thay đổi hộ khẩu thường trú.

Trường hợp 2, bạn không đăng ký nhập hộ khẩu với lý do nhập vào hộ khẩu nhà chồng mà thực hiện đúng thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú do có thay đổi chỗ ở hợp pháp (chỗ ở hợp pháp là ở nhờ, mượn hoặc thuê):

Tức là, khi đi làm thủ tục tại cơ quan công an xã, bạn cung cấp đầy đủ các hồ sơ được quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA. Cụ thể, hồ sơ bao gồm các giấy tờ như sau:

+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (trong phiếu này phải có nội dung ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm);

+ Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

+ Giấy chuyển hộ khẩu (đối với một trong hai trường hợp đó là chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; hoặc Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh);

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014.

+ Văn bản của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Ý kiến đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã do bạn là người chưa thành niên và không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ.

Bên cạnh đó, nếu bạn đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương thì còn phải tuân thủ các quy định tại Điều 19 Luật thủ đô.

Nếu bạn đã nộp hồ sơ bao gồm đầy đủ các giấy tờ nêu trên mà cán bộ công an xã vẫn xác nhận bạn không đủ điều kiện để nhập vào hộ khẩu của nhà người chồng thì hành vi của cán bộ xã là trái với quy định của pháp luật, cản trở quyền cư trú của công dân. Bạn có thể khiếu nại tới thủ trưởng cơ quan công an xã để đề nghị giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ xã không đồng ý nhập hộ khẩu về gia đình nhà chồng, phải làm thế nào?