Cần bổ sung quy định thời hiệu xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu

Mai Thoa| 12/06/2019 17:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được QH cho ý kiến có nhiều nội dung sửa đổi đáng chú ý như: hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, về hình thức kỷ luật giáng chức...

Nên hay không bỏ hình thức kỷ luật giáng chức?

Góp ý cho dự thảo Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, dự thảo Luật cần phải được thảo luận kỹ thêm nữa mới trình Quốc hội thông qua, vì có rất nhiều ý kiến khác nhau. ĐB đề nghị phải có một chương về trách nhiệm kỷ luật trong cả hai đạo luật. Hiện nay, do quy định của pháp luật nên chưa có cơ sở pháp lý như thế nào là khiển trách, như thế nào là cảnh cáo, buộc thôi việc nên đã nảy sinh một hình thức là phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc…Nếu không quy định sẽ khiến cho việc tùy tiện áp dụng các hình thức kỷ luật mà không có căn cứ nào.

Dự thảo Luật Cán bộ, Công chức có quy định cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách đến cách chức không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm trong thời gian 12 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực; hết thời hạn này nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, quy định này mang tính chất nhân văn nhưng chưa hợp lý. Quy định cần căn cứ vào hành vi vi phạm kỷ luật là gì, đối tượng vi phạm là ai, mức độ vi phạm đến đâu. Nếu quy định đồng loạt là hết 12 tháng thì được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm thì không hợp lý.

Về hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức tại Điều 79 dự thảo Luật, Tờ trình của Chính phủ đã đưa ra hai phương án và lựa chọn phương án trình là không tiếp tục quy định kỷ luật giáng chức với hai lý do: Nếu quy định hai hình thức giáng chức và cách chức thì dễ dẫn đến tình trạng nể nang; còn nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí, việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng ý với dự thảo Luật là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, hình thức này có khả năng áp dụng để bao che hay cảm tính đối với cán bộ bị kỷ luật. Thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều. Cán bộ bị kỷ luật đến mức cách chức thì phải xử lý, còn cảnh cáo, giáng chức sẽ không đủ tính răn đe. Nếu cách chức, qua thời hạn bị kỷ luật sẽ có thể bổ nhiệm lại nếu đủ điều kiện.

Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, với hai lý do nêu trên thì tính thuyết phục chưa cao bởi nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền. Lỗi này có thể chấn chỉnh được trong quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Còn nếu vì lý do là vị trí đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị khi đã thực hiện các vị trí việc làm xong rồi thì kể cả các vị trí của chuyên viên cũng được xác định và bố trí đủ hết. Trong khi đó lại chưa thể cho thôi việc, bởi vì mới chỉ là giáng chức, chưa phải cho thôi việc. Do vậy, vẫn phải sử dụng người này vào làm việc mà vị trí kể cả chuyên viên cũng đã hết. ĐB đề nghị nên giữ lại hình thức kỷ luật này.

Cần bổ sung quy định thời hiệu xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) phát biểu

Tuy nhiên, theo ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), quy định hình thức kỷ luật giáng chức là hoàn toàn phù hợp, có tính đến mức độ vi phạm và có tính răn đe rất cao, tính công bằng. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật với hình thức giáng chức vì có sai phạm rõ ràng, nhưng chưa đến mức buộc cách chức, buộc thôi việc hay xử lý trách nhiệm hình sự và với kinh nghiệm chuyên môn của họ thì tuy không còn được công tác tại vị trí trước kia nhưng vẫn thừa sức để công tác ở các vị trí thấp hơn.

Thiếu thời hiệu xử lý kỷ luật cán đã bộ nghỉ hưu

Một nội dung quan trọng nữa là xử lý kỷ luật cán bộ, công chức khi đã nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm. Chính phủ đề nghị bổ sung vào Điều 84 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu theo hướng: cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Ủy ban Pháp luật tán thành với Chính phủ về việc bổ sung này nhằm thể chế hóa yêu cầu trong Nghị quyết 26 của Trung ương: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”, đáp ứng yêu cầu thực thế đặt ra.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị tách nội dung này (hiện đang được bổ sung vào Điều 84) thành điều riêng để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo Luật và nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu nhằm có tính răn đe, thuyết phục cao hơn. Đồng thời, cần phải làm rõ được nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Các ĐB đồng tình và cho rằng, thời gian qua có những trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng không xử lý kỷ luật được do vướng Luật nên bổ sung là cần thiết.

ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cho rằng, quy định về hình thức kỷ luật cũng như về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ hưu là chưa rõ ràng. Cụ thể, về hình thức kỷ luật, xóa tư cách chức vụ, theo ĐB “tư cách” ở đây được hiểu là cách ăn ở, cư xử, biểu hiện phẩm chất đạo đức của một con người, "tư cách" thường gắn với hành vi, đạo đức của mỗi cá nhân. Còn chức vụ mang tính tổ chức, xác định vị trí phục vụ là nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong mỗi chức vụ cụ thể, như Giám đốc hay Bộ trưởng. Bản thân chức vụ thì không có tư cách. Trong dự thảo sử dụng hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ là không rõ ràng, ĐB băn khoăn.

Còn về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, trong dự thảo Luật không quy định dẫn đến việc có thể hiểu là dù sau 10, 15, 20 năm thậm chí lâu hơn nữa tính từ ngày nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì đều bị xử lý. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu là đối tượng khác so với cán bộ và công chức đang công tác nên không thể áp dụng thời hiệu, thời hạn như với người đang công tác.

Liên quan đến các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức tại Điều 78 và Điều 39, khoản 3 quy định: "Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Công chức lãnh đạo quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm".

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị xem xét bổ sung đối với trường hợp công chức bị Tòa án kết án sau đó có bản án, quyết định xác định công chức đó bị oan sai và cũng không có vi phạm pháp luật, không vi phạm quy định của Đảng thì thì phải khôi phục lại chức vụ lãnh đạo khôi phục các quyền lợi của họ trước đó. Dù những trường hợp oan sai không có nhiều nhưng vẫn phải quy định trong Luật, ĐB nêu ý kiến.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bổ sung quy định thời hiệu xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu