Cán bộ học Bác để Liêm - Chính

Bảo Dân| 18/05/2016 14:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, thảo luận về phòng chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Lâu nay chúng ta hay nói về mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền từ xã phường lên đến Trung ương trong sạch, vững mạnh mà hầu như không xác định mục tiêu xây dựng bộ máy liêm chính. Lần này mục tiêu Chính phủ Liêm Chính được người đứng đầu Chính phủ nêu ra vào đúng dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh Bác Hồ và trong khi toàn Đảng tiếp tục thực hiện phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật đáng suy nghĩ.

Người dân nhìn vào bộ máy công quyền đang phấn đấu trở thành bộ máy Liêm Chính mà mừng lắm thay, Liêm Chính không phải là điều gì xa lạ mới mẻ đối với cán bộ đảng viên ta…

Trong một cuộc nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 20/2/1947, Bác Hồ đã nói khá cụ thể về tư cách cán bộ. Bác có 5 điều căn dặn hết sức quý báu mà mỗi khi soi vào là một lần chúng ta có dịp nhìn nhận lại mình, tự răn mình để sống và làm việc tốt hơn. Cụ thể như sau:

1. Mình đối với mình, đừng tự mãn, kiêu ngạo, phải học lấy điều hay của người ta.

2. Phải thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh rẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị…

3. Đối với công việc, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh… Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì?…

4. Người cán bộ phải hiểu dân cả về nguyện vọng, tâm lý, sự cực khổ… Đặc biệt là phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết.

5. Khi vào Đoàn thể (Đảng), tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Đặc biệt là phải “Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể. Muốn giữ danh giá của Đoàn thể phải giữ danh giá mình. Không được báo cáo láo như làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi…”.

Hay nhớ lại những điều Người nói về hai chữ Liêm - Chính của cán bộ.

Liêm là thế nào? Những người ở các công sở, từ làng xã cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt thì mất hết cả danh giá, mà của cải phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.

Chính: Mình và người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh.

Thật chí lý. Hãy học lại thật kỹ và làm theo thật đúng những điều Bác Hồ dạy cán bộ về Liêm Chính để xây dựng bộ máy công quyền Liêm Chính!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ học Bác để Liêm - Chính