Căn bệnh ung thư diễn viên Mai Phương mắc phải nguy hiểm đến mức nào?

Chí Tâm(TH)| 22/08/2018 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới; đứng thứ 3 ở nữ giới. Bệnh diễn biến nhanh, tỉ lệ tử vong lớn nhưng lại khó phát hiện ở giai đoạn sớm.

Thông tin diễn viên Mai Phương bất ngờ phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối và đang phải điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện 175 TP.HCM thật sự khiến mọi người không khỏi bất ngờ và xót xa bởi cô còn quá trẻ. Sự chuyển biến quá nhanh của căn bệnh cô mắc phải cũng khiến nhiều người quan tâm.

GS Rafael Molina - Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có 1 người mắc ung thư phổi.

“Hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm, trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. Con số này nhiều hơn tổng số tử vong 3 loại ung thư vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng”, GS Molina nhấn mạnh. 

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong. Đây là ung thư phổ biến nhất ở nam giới và chiếm tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở nam giới. Ở nữ, ung thư phổi phổ biến thứ 3, sau ung thư vú, dạ dày.

Qua các năm, tỷ lệ bệnh nhân nam mắc ung thư phổi tại Việt Nam đều tăng, năm 2000 là 29,3/100.000, đến 2010 đã tăng lên 35,1/100.000 dân. Ước tính đến năm 2020, số mắc mới ung thư phổi ở cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 người mỗi năm.

Căn bệnh ung thư diễn viên Mai Phương mắc phải nguy hiểm đến mức nào?

Diễn viên Mai Phương hiện điều trị tại bệnh viện 175. Ảnh: FBNV

Theo TS.BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bứu Hưng Việt, ước tính tại Hà Nội trung bình tỷ lệ được chẩn đoán ung thư phổi vào khoảng 40/100.000 dân và ở TP.HCM là khoảng 30/100.000 người.

Ung thư phổi được đánh giá là căn bệnh phổ biến cũng như tỷ lệ người mắc bệnh, tử vong ngày một tăng. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu lại rất khó khăn. Hơn 90% bệnh nhân tử vong chỉ sau một năm phát hiện bởi bệnh không dễ phát hiện ở giai đoạn sớm.

“Nếu bệnh có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu khả năng đáp ứng điều trị tốt, tỷ lệ sống có thể lên đến hơn 70%. Ngược lại, đối với những bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối tỷ lệ tử vong rất lớn. Hơn 90% bệnh nhân tử vong sau một năm kể từ khi phát hiện bệnh”, TS Hoàng Đình Chân cho hay.

Hiện Việt Nam cùng với nhiều nước đang áp dụng hướng đi mới trong phát hiện sớm ung thư phổi, xét nghiệm dấu ấn sinh học (dùng các chất chỉ điểm) để phát hiện sớm ung thư, được xét nghiệm dựa trên mẫu máu của bệnh nhân.

Dấu ấn ung thư hay còn gọi là dấu ấn khối u là những chất hóa học của cơ thể, thường là các protein, được sản xuất bởi bản thân các tế bào ung thư hoặc đôi khi do cơ thể sản xuất ra do sự phát triển ung thư.

Cách phòng ngừa ung thư phổi

- Không nên lạm dụng các vitamin. Trong đó có chất beta-carotene là tiền sinh tố A ở lượng cao có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi.

- Ăn uống điều độ và ăn đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể.

- Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều, không hút thuốc lá là cách tốt nhất để ngừa ung thư phổi cho chính mình và những người xung quanh.

- Ngoài khói thuốc lá, khói dầu sinh ra trong quá trình nấu nướng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Một số thành phần có trong dầu thực vật ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các chất gây ung thư; nhiệt độ càng cao, lượng sản sinh ra càng nhiều. Hơn nữa, chúng ta lại thường xuyên ăn đồ chiên xào, có thói quen dùng nhiều dầu, sẽ làm nguy cơ này tăng cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căn bệnh ung thư diễn viên Mai Phương mắc phải nguy hiểm đến mức nào?