Mùa hè – mùa của những chuyến đi, mùa của nắng vàng, biển xanh và những phút giây thư giãn cùng gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các chiêu trò lừa đảo tinh vi núp bóng dịch vụ du lịch rộ lên, khiến không ít người trở thành nạn nhân mất tiền, mất niềm vui, thậm chí là cả kỳ nghỉ mong đợi bấy lâu
Fanpage giả, combo sốc và chiêu lừa mang tên “đặt phòng”
Ghi nhận từ Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, tình trạng lừa đảo qua mạng bằng hình thức lập fanpage, website giả danh các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn trên địa bàn đang diễn biến phức tạp.
Các đối tượng lợi dụng tâm lý háo hức đi chơi, cùng với nhu cầu đặt phòng trực tuyến tăng cao vào mùa du lịch, để giăng bẫy với những “combo du lịch siêu rẻ” đầy hấp dẫn
Chỉ cần vài thao tác đơn giản, các đối tượng đã có thể tạo ra một fanpage có giao diện giống hệt với các trang chính thức của khách sạn hay khu nghỉ dưỡng nổi tiếng.
Những trang này thường đăng tải hình ảnh đẹp mắt, bài viết quảng bá chuyên nghiệp, đi kèm là những ưu đãi “khó tin nhưng vẫn khiến người ta tin” như: Combo 2 ngày 1 đêm chỉ từ 399.000 đồng/người, tặng kèm xe đưa đón tận sân bay, hay miễn phí vé tham quan và buffet sáng
Đặc biệt, thủ đoạn lừa đảo thường đi kèm với chiêu trò tạo mã đặt phòng giả. Sau khi khách hàng nhắn tin đặt phòng, “nhân viên tư vấn” sẽ gửi lại một mã xác nhận chuyên nghiệp kèm logo khách sạn, tên người đặt và cả số tài khoản mang danh nghĩa đơn vị lưu trú. Để "giữ chỗ", khách được yêu cầu chuyển khoản đặt cọc trước từ 10 đến 50% tổng số tiền
Một người dân ở thành phố Vinh kể lại: “Tôi thấy fanpage trông rất uy tín, lại có khuyến mãi hấp dẫn nên không nghĩ nhiều mà chuyển khoản đặt phòng. Chỉ khi gọi điện đến khách sạn mới biết là mình bị lừa”.
Điều đáng nói, sau khi nhận tiền cọc, nhiều đối tượng không dừng lại mà tiếp tục dựng nên vòng lừa thứ hai. Chúng giả danh nhân viên khách sạn gọi điện, thông báo rằng giao dịch chưa hợp lệ do sai cú pháp nội dung chuyển khoản.
Tiếp theo là màn "hỗ trợ hoàn tiền" thông qua đường link giả mạo, yêu cầu người dùng đăng nhập thông tin ngân hàng hoặc cung cấp mã OTP.
Chỉ cần một vài phút lơ là, toàn bộ tiền trong tài khoản có thể bị đánh cắp. Các chiêu thức này không mới, nhưng vẫn đánh trúng tâm lý hoang mang và mong muốn được hoàn tiền nhanh của khách hàng
Đặt phòng online – coi chừng sập bẫy
Một trong những lý do khiến nhiều người sập bẫy là vì “quá tin vào khuyến mãi”. Các fanpage giả thường lợi dụng chiêu trò đánh vào cảm xúc: “chỉ còn 3 suất cuối cùng”, “ưu đãi chỉ áp dụng trong hôm nay”, “hết phòng nếu không chuyển cọc ngay” để thúc giục khách ra quyết định trong thời gian ngắn.
Không ít người, trong lúc háo hức với kỳ nghỉ sắp đến, đã không kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin và chuyển tiền trong vô thức. Khi phát hiện bị lừa thì đã quá muộn.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng những đánh giá giả mạo, bình luận “ảo” của những tài khoản Facebook được tạo dựng tinh vi để tăng độ tin cậy cho fanpage, khiến người xem khó phân biệt thật – giả
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng lan rộng, Công an tỉnh Nghệ An đã phát đi cảnh báo chính thức, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân khi đặt phòng trực tuyến.
Luôn kiểm tra kỹ nguồn thông tin. Chỉ nên đặt phòng qua website chính thức, hoặc các ứng dụng đặt phòng có uy tín như Agoda, Booking.com, Traveloka...
So sánh thông tin liên hệ. Kiểm tra số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng mà fanpage cung cấp với thông tin đăng tải trên website chính thức của khách sạn, hoặc khu du lịch.
Không chuyển khoản vội vàng. Tránh các yêu cầu chuyển tiền đặt cọc ngay lập tức. Nếu có, hãy xác minh lại bằng cách gọi điện trực tiếp đến nơi lưu trú.
Cảnh giác với các link lạ. Không truy cập vào các đường link được gửi bởi người lạ, đặc biệt là các link yêu cầu đăng nhập tài khoản ngân hàng, cung cấp OTP hay thông tin cá nhân.
Lưu giữ bằng chứng giao dịch. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa, cần lưu lại hóa đơn, tin nhắn, email và liên hệ ngay với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú – du lịch cũng phải chủ động bảo vệ thương hiệu và khách hàng của mình. Đại diện Khách sạn Summer (thị xã Cửa Lò) cho biết: “Hiện tại chúng tôi chỉ có một fanpage chính thức, nhưng trên mạng đã xuất hiện hàng loạt trang mạo danh với tên gọi và logo rất giống, gây hiểu lầm cho khách”.
Các đơn vị nên thực hiện các giải pháp như: Đăng ký dấu xác thực (tick xanh) trên Facebook và các nền tảng khác để khách hàng dễ nhận biết. Thường xuyên rà soát thông tin, kịp thời báo cáo các trang giả mạo lên nền tảng mạng xã hội.
Đăng thông báo cảnh báo trên fanpage, website chính thức và hướng dẫn người dùng cách phân biệt trang thật – giả. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi mạo danh hoặc gian lận liên quan đến thương hiệu của mình.
Hiện nay, theo thống kê từ Sở Du lịch, trên địa bàn ven biển thành phố Vinh có tới 296 cơ sở lưu trú với gần 11.600 phòng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Trong đó, có 18 khách sạn đạt chuẩn sao, bao gồm 1 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, cùng hệ thống khách sạn 2-3 sao trải khắp khu vực biển Cửa Lò, Cửa Hội…
Tuy nhiên, vào mùa du lịch cao điểm, lượng khách đổ về lớn khiến nhiều khách sạn thường xuyên trong tình trạng "cháy phòng". Đây chính là lúc các đối tượng lừa đảo tung chiêu “đặt phòng phút chót” để dụ dỗ khách cả tin.
Vì vậy, để bảo vệ túi tiền và tinh thần, mỗi du khách cần tỉnh táo, thận trọng và kiểm tra thông tin kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Du lịch là để tận hưởng, không phải để mang theo nỗi lo hay cay đắng vì mất tiền oan. Trong thời đại số, nơi mọi giao dịch chỉ gói gọn trong một cú nhấp chuột, sự tỉnh táo và cảnh giác chính là tấm “lá chắn” hữu hiệu nhất. Hãy là người tiêu dùng thông minh để mỗi hành trình đều trọn vẹn – từ khi bắt đầu, đến lúc trở về.