Cách đây 14 năm, quy định về việc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) được quyết định ở cấp cao nhất. Lý do rất đơn giản: Tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chấn thương sọ não đã ở mức báo động.
Chính phủ đã ra Nghị quyết 02/2001/NQ-CP ngày 2/3/2001 quy định bắt buộc đội MBH đối với mọi người khi đi môtô, xe máy; cán bộ, công chức cơ quan nhà nước phải gương mẫu thực hiện sớm hơn. Thực hiện Nghị quyết này của Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã có chỉ thị, chỉ đạo cán bộ, công chức ngành mình gương mẫu thực hiện sớm. Nhiều cơ quan bỏ tiền ra mua mũ bảo hiểm phát cho cán bộ công nhân viên.
Tuy nhiên do sốt ruột về tai nạn giao thông nên quy định bắt buộc đội MBH được ban hành nhưng không có quy định về quy cách MBH và chế tài xử lý người đi xe máy mà không đội mũ.
Thời gian trôi đi, các lực lượng CSGT vẫn nhắc nhở và có nơi, có lúc xử phạt người không đội MBH nếu đi xe không bằng lái, không giấy tờ…
CSGT Hà Nội hướng dẫn người dân cách phân biệt MBH không đạt chuẩn - Ảnh: Hà An/TNO
Cho đến gần đây theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, người đi xe máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng. Văn bản này cũng quy định chất lượng mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ bảo hiểm phải được gắn dấu hợp quy CR, có ghi nhãn hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.
Dư luận xôn xao, tại sao không xử người sản xuất buôn bán MBH rởm mà lại xử lý người tiêu dùng? Thông tin từ người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2014, vừa diễn ra ngày 1/7 lại khẳng định sẽ không xử phạt những người đội MBH kém chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, thông tin về xử phạt người đội MBH kém chất lượng thời gian qua “làm cho người dân bất an”. Bộ trưởng đề nghị các nhà báo nói lại cho người dân yên tâm rằng, Chính phủ đã bàn và thống nhất, chỉ xử phạt hai hành vi gồm “không đội mũ bảo hiểm và đội mũ nhưng không cài dây”.
Theo Bộ trưởng, mặc dù Nhà nước và Chính phủ rất muốn bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, nhưng trong điều kiện hiện nay chỉ phạt ở các hành vi nêu trên. Chuyện mũ giả là trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Do vậy, sẽ chỉ xử phạt 2 hành vi vi phạm là không đội MBH và đội mũ không cài dây. Còn những trường hợp đội MBH giả sẽ không phạt.
Thật ra ở nhiều nước phát triển, người tiêu dùng sử dụng hàng nhái, hàng rởm cũng có thể bị tịch thu, tiêu hủy, xử phạt, nhưng trong điều kiện Việt Nam hiện nay chưa thể áp dụng những quy định này. Chưa xử phạt không có nghĩa là chấp nhận việc sản xuất, tiêu thụ và sử dụng MBH rởm, mà các cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý tận gốc, từ cơ sở sản xuất đến tiêu thụ. Người tham gia giao thông nên nâng cao ý thức chấp hành quy định đội MHB, sử dụng mũ đạt tiêu chuẩn để trước hết bảo sinh mạng cho chính mình.