Chỉ vì vợ làm đơn ly hôn, Thành đến nhà vợ, mang theo chai xăng và kết cục của cơn cuồng nộ mất lý trí đó là người vợ bị tổn hại 77% sức khỏe, còn anh ta phải trả giá bằng 18 năm tù.
Nguyễn Hữu Thành tại phiên tòa xét xử
Hôm qua, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hữu Thành, 43 tuổi, ở Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Hà Nội về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án chính là người vợ của bị cáo, chị Hoàng Thị Thúy H., 33 tuổi.
Cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng bị cáo được khoảng 10 năm thì nảy sinh mâu thuẫn mà nguyên nhân là vì Thành cho rằng vợ ngoại tình. Không chịu được cảnh ghen tuông vô cớ của người chồng, tháng 7-2010, chị H. nộp đơn xin ly hôn lên TAND TP. Hà Nội, rồi về nhà bố mẹ đẻ ở Yên Phụ, Tây Hồ sống.
Khoảng 22h 30 ngày 2-9-2010, Thành lấy theo một chai nhựa Lavie loại 500ml đựng xăng rồi đi đến nhà vợ cũ. Thấy chị H. trong bãi gửi xe trên đường Yên Phụ, Thành liền đi đến rồi lợi dụng lúc chị này đang cúi rửa tay liền dốc chai xăng vào người vợ sau đó châm lửa đốt.
Ngọn lửa bùng cháy dữ dội, nạn nhân giẫy giụa kêu cứu. Các nhân viên bảo vệ của Công ty xe buýt Hà Nội ở gần đó đã sử dụng bình cứu hỏa dập lửa và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Sau khi gây án, đối tượng Thành bỏ trốn, 4 ngày sau mới ra đầu thú.
Chị H. mặc dù được cứu sống nhưng tổn hại đến 77% sức khỏe. Với hành vi trên, Nguyễn Hữu Thành bị truy tố về tội “Giết người” theo điểm n, Điều 93 Bộ luật hình sự.
Đứng trước vành móng ngựa, với vẻ lì lợm, bị cáo Thành cho rằng không có ý định giết vợ và chai xăng là do anh ta tình cờ nhặt được trên đường đi, trong đó chỉ có một lượng xăng nhỏ. Thành khai, sở dĩ đi tìm vợ là muốn bảo chị này về nhà đưa con đi chơi nhưng vì chị H. không đồng ý lại còn lên tiếng thách thức nên anh ta không giữ được bình tĩnh mới đổ xăng vào người, châm lửa.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa khẳng định những lời khai của bị cáo Thành về động cơ dẫn tới việc “phóng hỏa” vợ là không có căn cứ; việc truy tố bị cáo về tội “Giết người” là đúng người đúng tội, đúng cơ sở pháp luật. Trong vụ án này nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.
Thông thường khi đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo dù có quanh co, tìm cách giảm nhẹ tội, nhưng thái độ của họ trước bị hại và gia đình bị hại đều chung vẻ ăn năn, hối hận, xin được tha thứ. Nhiều bị cáo dù chưa được HĐXX cho phép vẫn chủ động quay lại phía sau khóc lóc, xin lỗi bị hại hoặc gia đình họ. Ngồi sau phía bị cáo Thành, người vợ bị cáo với thương tích nặng vì bỏng, phải chống nạng đến tham dự phiên tòa với tư cách bị hại nhưng Thành lại tỏ thái độ vô cảm, không một lần quay lại. Thậm chí được vị đại diện Viện kiểm sát gợi ý, Thành vẫn không hề đếm xỉa đến người đã một thời gắn bó với mình, giờ trên người đầy thương tật do anh ta gây ra. Trái ngược với thái độ tàn nhẫn và vô cảm của người chồng, chị H. vẫn xin HĐXX xem xét, giảm án để anh ta sớm có cơ hội về chăm sóc con cái.
Sau khi xem xét xong, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Thành 18 năm tù. Vẫn thái độ dửng dưng cả khi án đã tuyên, bị cáo Thành cứ thế bước thẳng về phía xe tù, không một lần ngoái lại xem dung nhan của người vợ do mình hủy hoại giờ đây thế nào.
Nguyễn Tiến