Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cán bộ pháp chế mới có thể thúc đẩy kinh tế phát triển

Mai Thoa| 25/07/2021 19:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội chiều 25/7, các đại biểu đề cập đến việc xây dựng và hoàn thiện thế chế trong bối cảnh hiện nay nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Cần cải cách thể chế và nâng cao năng lực cán bộ pháp chế

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, nền kinh tế của một quốc gia phát triển hay trì trệ, thịnh vượng hay nghèo đói không chỉ do vị trí địa lý, văn hóa, tiềm lực, tiềm năng, các nguồn lực mà quan trọng và quyết định là đường lối của Đảng cầm quyền và thể chế - công cụ cụ thể hóa đường lối của Đảng cầm quyền.

Vì vậy việc xây dựng, cải cách, hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa kịp thời đường lối của Đảng có ý nghĩa quyết định cho sự thịnh vượng của đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ vấn đề và coi đó là một trong những đột phá chiến lược và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc xây dựng, cải cách thể chế hành chính vẫn còn bộc lộ những hạn chế như số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều nhưng vẫn còn những nội dung chồng chéo, trùng lắp, chưa thật ổn định; thủ tục hành chính vẫn còn yếu tố gây phiền hà, nhũng...

Quan điểm công tác làm luật phải hướng vào cải cách thể chế và quan điểm Chính phủ cần tập trung vào cải cách thể chế cho thấy sự coi trọng và thúc đẩy mục tiêu hoàn thiện thể chế. Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình này. Đây cũng là yếu tố quyết định cho sự hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.

dong-ba.jpg
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) phát biểu thảo luận tại hội trường.

Ở góc độ khác, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho rằng, đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật là lực lượng nòng cốt, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hiệu quả thi hành pháp luật. Vậy nên cần tăng cường năng lực cho đối ngũ này.

Theo đại biểu, hiện nay đang có sự bất cân xứng giữa đội ngũ này với khối lượng công việc về xây dựng và thi hành pháp luật. Thống kê sơ bộ hiện đội ngũ pháp chế chuyên trách ở trung ương có khoảng 1.400 người, trong đó làm chuyên trách pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ là khoảng 1/3; chuyên trách pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh khoảng 450 người. Điều đáng quan tâm là đội ngũ này đang có xu hướng giảm mà nguyên nhân chính mà nhiều trường hợp xin chuyển công việc là do không muốn hoặc không thể gắn bó với nghề, trong đó không ít người có năng lực và được đào tạo bài bản.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, khẩn trương hoàn thiện quy định về tổ chức pháp chế, trước mắt cần có biện pháp cụ thể để sớm khắc phục một số bất cập như đã nói ở trên.

Rất cần một nghị quyết về phòng chống Covid-19

Tiếp sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu ý kiến về các nội dung mà các đại biểu nêu.

Về xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng như là việc khắc phục các bất cập, hạn chế trong hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua cùng với tập trung chống đại dịch COVID vấn đề xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trước và sau khi kiện toàn ngành.

Hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung vào hiện thực hóa các kết quả rà soát về vấn đề này. Thủ tướng cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung, có chọn ra một số những vấn đề cấp thiết, bức xúc ý sẽ đề xuất để Quốc hội xem xét thông qua trước. Đối với những vấn đề dài hơi đã và sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để tập trung xử lý trong thời gian tới. Theo nguyên tắc là thực hiện triệt để các quy định về phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm Thủ tướng giao cho Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng như thực hiện các biện pháp khác.

Tiếp đến là nội dung liên quan đến tính pháp lý của dự thảo nội dung Nghị quyết của Quốc hội về phòng chống COVID-19 để đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội lần này.

qh-1.jpg

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện một số các giải pháp cấp bách và cần thiết để phòng chống dịch và chúng ta đã đạt kết quả tốt được thế giới và trong nước đánh giá cao.

Hiện nay, tình hình phức tạp, dịch bệnh lan nhanh, số người mắc Covid-19 cũng như tử vong ngày càng tăng. Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua nội dung này và đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội và đây là một giải pháp chưa có tiền lệ. Qua rà soát thấy rằng các biện pháp quy định về phòng, chống dịch bệnh nói chung cơ bản đã có trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là ở trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp; một số các quy định khác cũng có liên quan trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng, chống thảm họa, thiên tai.

Tuy nhiên, hiện nay cần một hành vi pháp lý ở mức cao hơn của Quốc hội là tiếp tục cho phép áp dụng các biện pháp này như trong trường hợp chúng ta đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Đồng thời cũng cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp để đáp ứng kịp thời với tình hình phòng, chống dịch bệnh được linh hoạt áp dụng các hình thức văn bản thuộc thẩm quyền, như nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cán bộ pháp chế mới có thể thúc đẩy kinh tế phát triển