Phòng chống dịch nhưng không làm đứt gãy nền kinh tế

Mai Thoa| 25/07/2021 12:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (25/7), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.

qh-1.jpg

Cần có thêm phương án cho nền kinh tế

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết: Cơ bản thống nhất với nhận định, đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân, nhiều tỉnh, thành đã và đang giãn cách xã hội, quyết tâm dập dịch, bảo vệ an toàn, sức khỏe cho nhân dân, đồng thời triển khai các giải pháp để giữ vững, ổn định các chuỗi sản xuất hàng hóa không bị đứt gãy.

Theo đại biểu, 6 tháng đầu năm chúng ta đạt được kết quả đáng phấn khởi như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng, sản xuất nông thủy sản tăng khá, an ninh quốc phòng được đảm bảo... Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng từ “triển vọng” lên “tích cực”.

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng cuối năm, diễn biến dịch còn phức tạp, khó tiên đoán thời điểm kết thúc, trong khi số lượng doanh nghiệp nước ta chủ yếu là nhỏ và vừa, điều kiện bảo đảm an toàn cho sản xuất là thách thức.

Đại biểu băn khoăn cho rằng hiện tại, một số chỉ tiêu quan trọng trong nghị quyết của Quốc hội đã đề ra đạt thấp như chỉ tiêu tăng trưởng, giải ngân đầu tư công, chiến lược vaccine cũng gặp nhiều thử thách. Do đó cần có thêm các phương án cụ thể để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra khi có biến động bất ổn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhiều rủi ro khác nhằm hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội đã đề ra.

kim-be.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)

Đề cập đến các gói hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng gói 62 nghìn tỷ đồng chưa được triển khai kịp thời và kết quả là chỉ thực hiện được 36 nghìn tỷ. Rút kinh nghiệm gói này, gói thứ 2 là 26 nghìn tỷ được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng.

Đổi mới là điều hết sức trân trọng nhưng nếu không thận trọng thì chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, tức là cần khẩn trương nhưng phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức. Đồng thời, cần cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói hỗ trợ vì khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ, còn xác nhận tính đúng đắn thuộc về cơ quan công quyền, đại biểu nêu ý kiến.

Phát biểu thảo luận vào dự thảo Nghị quyết về nội dung phòng chống COVID-19, đại biểu Mai cho rằng những nội dung Chính phủ trình là đúng đắn, bảo đảm tính linh hoạt. Tuy nhiên, cần phải lưu ý 3 điểm cần xác định rất cụ thể, đó là: về phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng chống COVID-19; về thời hạn, cần khống chế thời hạn nhất định; cuối cùng là cần xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt là cần có biện pháp phòng tránh việc lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Phòng chống dịch nhưng không quá cực đoan

Phát biểu sau đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan.

Vì thời gian qua có những địa phương đã có những cách làm rất sáng tạo, khoa học, trên cơ sở nắm bắt tình hình đã đưa ra những biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa đến phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hiện có những địa phương còn áp dụng các biện pháp “đón đầu dịch” như tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, sáng tạo ra xét nghiệm mẫu gộp, từ đó không để mất “giờ vàng” trong chống dịch. Tuy nhiên cũng xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng các biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, hoạt động của doanh nghiệp.

Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định.

Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế. Chính phủ cần có những chỉ đạo khắc phục vấn đề này.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) lo lắng khi thấy rằng các báo cáo, kế hoạch chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức đến vậy. Theo ông, đại dịch COVID-19 đã “bào mòn” sức khỏe của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng, ở Quảng Trị, dù tình hình dịch bệnh không quá phức tạp nhưng trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp đều giảm, trong khi số doanh nghiệp dừng hoạt động lại tăng. Đây có lẽ là bức tranh chung của nhiều tỉnh, thành khác.

Nhìn rộng ra cả nước, khả năng tăng trưởng quý III sẽ thấp hơn so với kế hoạch do tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới, khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trở lên kém lạc quan. Động lực chính cho kinh tế nước ta năm nay đến từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đã và đang bị ảnh hưởng đáng kể.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp có thể ngăn chặn chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% năm nay. Thu ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo...

Với những khó khăn, thách thức đang bủa vây, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay trên 6%, ông đại biểu đồng tình giải pháp thường xuyên rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Theo đại biểu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội. Trước Kỳ họp này, các địa phương đã tiến hành rà soát tình hình triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh trên địa bàn các địa phương theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Từ đó, đại biểu kiến nghị, có thể từ kỳ họp thứ hai có thể dùng một luật để sửa đổi các quy định đang gây khó khăn, phục hồi kinh tế sau đại dịch và việc này cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ với sự vào cuộc của tất cả các đại biểu Quốc hội, chứ không phải chỉ riêng Chính phủ.

thuy-bk2.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình thêm một số nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của Chính phủ trong đợt dịch Covid-19.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên thời gian qua các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ có hiệu quả nên đời sống nhân dân được đảm bảo.

Bộ trưởng cho biêt, tình dịch bện diễn biến phức tạp tạo áp lực lớn đến nền kinh tế, thất nghiệp gia tăng; nhiều ngành nghề bị suy giảm nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp 2,52%. Khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề.

Đã có 70.000 DN rút khỏi thị trường kinh doanh. Khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đóng góp cho kinh tế, thu ngân sách như Bắc Giang, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An… số khu công nghiệp phải dừng hoạt động; các lao động phải dừng làm việc, hay DN hoạt động cầm chứng nên vô cùng khó khăn. Đã có nhiều nơi phải đóng cửa hầu hết cơ sở kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp…

Vì vậy Chính phủ đã triển khai nhiều viện biện pháp để duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều nơi đã thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất, ăn ở, cách ly tại chỗ) để làm việc.

Chính phủ nhiều biện pháp tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp; đã hỗ trợ trên 168 nghìn tỷ đồng; triển khai nhiều gói hỗ trợ; đã hỗ trợ gần 39 nghìn tỷ cho 14, 4 triệu người thụ hưởng.

Riêng đợt dịch thứ 4 Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, đúng và trúng về đối tượng; giảm thủ tục hành chính.

Qua 15 ngày triển khai: 63/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai, nhiều địa phương kết quả cao. Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội đã có 11 triệu người lao động được hỗ trợ. Chúng ta đã hỗ trợ người điều trị F0 cách ly F1; giải ngân hỗ trợ người lao động tại các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh…

Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ lao động tự do, dù rất khó triển khai song đến nay được triển khai nhanh có hiệu quả; hàng trăm nghìn người đã và đang được xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã biểu dương TP Hồ Chí Minh trong điều kiện giãn cách đã khắc phục khó khăn để thực hiện phòng chống dịch và hỗ trợ người lao động mất việc làm….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống dịch nhưng không làm đứt gãy nền kinh tế