Các vụ án được Tòa án xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật

Mai Thoa| 23/10/2021 15:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 23/10, sau khi Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo công tác Tòa án năm 2021 trước Quốc hội, các đại biểu cũng đã nghe Ủy ban Tư pháp (UBTP) trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

UBTP nhận định, công tác Tòa án năm 2021 đạt nhiều kết quả khả quan. Các vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật và đặc biệt không có án oan.

qh-.jpg

Theo Báo cáo của TANDTC, trong năm qua, công tác Tòa án được triển khai trong bối cảnh vụ việc tăng, biên chế giảm, yêu cầu cao, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên đã có những khó khăn nhất định, nhưng các Tòa án đã nỗ lực hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án giảm 0,25%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, hành chính xét xử đạt tỷ lệ cao. Trong đó, các Tòa án đặc biệt chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp.

Ngoài ra, các công tác khác cũng được TANDTC triển khai tích cực và đạt kết quả cao.

Xét xử nghiêm minh, không có án oan

Thẩm tra báo cáo của Chánh án TANDTC, UBTP cũng nhận định, các TAND đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nên chất lượng xét xử các loại án và nhiều chỉ tiêu công tác khác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội giao. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến công tác xét xử, song số vụ án đã xét xử đạt 81,23% cho thấy nỗ lực rất lớn của TAND các cấp .

Đặc biệt, trong kỳ báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà TAND áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu của Quốc hội . Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả.

 Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 và các yêu cầu của phòng, chống dịch, TANDTC đã ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các TAND đưa ra xét xử kịp thời và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Các TAND đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã xét xử 136 vụ với 177 bị cáo.

Các TAND đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án về kinh tế-tham nhũng, đồng thời chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và vận động người phạm tội tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt. Đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các TAND đã xét xử sơ thẩm 26 vụ, phúc thẩm 11 vụ, giám đốc thẩm 02 vụ. Về cơ bản, việc xét xử các vụ án này bảo đảm chất lượng và thời hạn theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo; không có trường hợp nào bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự.

Các TAND phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời các vụ án ma túy, xâm hại tình dục trẻ em và áp dụng hình phạt nghiêm khắc với đối tượng phạm tội, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Đã phối hợp với VKSND tổ chức 8.965 phiên tòa rút kinh nghiệm, tăng 57,9% so với năm trước. Tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được VKSND chấp nhận đạt cao (1.247 vụ), trong đó 85 trường hợp trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới. Qua xét xử, TAND các cấp đã ban hành nhiều kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội và được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.

Tuy nhiên, chất lượng công tác này vẫn còn một số hạn chế. Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên tỷ lệ xét xử án hình sự giảm 8,2% về số vụ so với năm trước, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Về xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, UBTP cũng nhận xét, TANDTC đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp; qua đó chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được nâng lên. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến công tác xét xử, nhưng tỷ lệ giải quyết, xét xử là 78,97% , đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó tỷ lệ các vụ việc dân sự hòa giải thành được 163.316 vụ, chiếm 52,3% tổng số các vụ việc dân sự TAND đã giải quyết (tăng 1,24%). Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước. Đã hạn chế đến mức thấp việc để án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; tổ chức được 3.148 phiên tòa rút kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Các tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hòa giải thành và hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đều đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội .

Tuy nhiên, chất lượng công tác này còn một số hạn chế. Vẫn còn 0,39% bản án bị hủy và 0,4% bản án bị sửa do nguyên nhân chủ quan; 40 vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo luật định do nguyên nhân chủ quan. Theo Báo cáo của một số cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, thì còn một số vụ án có vi phạm về thụ lý, thẩm quyền giải quyết, việc tống đạt các thông báo thụ lý, việc tiếp nhận, xác minh, thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương sự, người liên quan, chuyển giao hồ sơ Theo Báo cáo của VKSNDTC, VKSND các cấp đã ban hành một số kiến nghị yêu cầu TAND khắc phục vi phạm trong giải quyết án dân sự .

Tòa án triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiệu quả

Về xét xử các vụ án hành chính, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nêu rõ: Năm 2021, số lượng các vụ án hành chính được các TAND thụ lý giảm 13,97%, số lượng các vụ án đã giải quyết đạt tỷ lệ 53,07%. TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử các vụ án hành chính; tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước ; chất lượng xét xử các vụ án hành chính tiếp tục được nâng lên. Tính đến thời điểm báo cáo, không có vụ án nào để quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan.

le-nga.jpg
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.

Việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện được các TAND chú trọng. Đã khắc phục được một số bản án hành chính tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án; đã ban hành 107 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND. Đây là cố gắng đáng ghi nhận của các TAND .

Công tác giám đốc thẩm, tái thẩm cũng đạt kết quả khả quan. UBTP nhận định, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp cao đã thụ lý và phải giải quyết năm 2021 là 14.371 đơn/vụ, giảm 1.834 đơn; đã giải quyết 7.969 đơn (đạt tỷ lệ 55,45%) . Về cơ bản, chất lượng trả lời đơn và kháng nghị được bảo đảm. Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời đơn là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bảo đảm thận trọng, chặt chẽ; do đó, các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án có thẩm quyền được Hội đồng xét xử chấp nhận. Chất lượng kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm được bảo đảm. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án mới đạt 55,45%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (là trên 60%).

Ngoài ra, các công tác khác như: Thi hành án hình sự; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND cũng được Tòa án giải quyết kịp thời.

UBTP cũng đánh giá về kết quả thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2021), TANDTC đã tích cực triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thi hành; hướng dẫn lựa chọn, bồi dưỡng và bổ nhiệm Hòa giải viên (đến nay đã có gần 3.000 Hòa giải viên được bổ nhiệm).

Sau 10 tháng triển khai thi hành Luật, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các TAND đã có nhiều cố gắng để hoạt động hòa giải, đối thoại đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, từ tỷ lệ 14,2% vụ việc đương sự đồng ý lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại cho thấy, các TAND cần tiếp tục làm tốt hơn công tác vận động, tuyên truyền pháp luật để các bên đương sự hiểu và lựa chọn phương thức giải quyết vụ việc thông qua hòa giải, đối thoại tại TAND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các vụ án được Tòa án xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật