Bên cạnh những ngành học truyền thống thì với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành đã được mở ra.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới.
Theo Bộ GD&ĐT, số lượng ngành đào tạo do các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ mở tăng lên đáng kể (tăng 1,5 lần so sánh 2016 và 2021) trong khi số lượng ngành đào tạo do Bộ GDĐT phê duyệt ngày càng giảm mạnh (giảm hơn 3 lần so sánh 2016 và 2021).
Các đại học quốc gia, đại học vùng và 23 trường đại học được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP rất cân nhắc khi mở ngành đào tạo, đặc biệt ở trình độ tiến sĩ.
Cơ sở GDĐH đẩy mạnh quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng các lĩnh vực đào tạo mũi nhọn, uy tín và truyền thống của trường thông qua việc phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Toàn cho rằng, trong năm 2022, những ngành nghề có thu nhập cao vẫn là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, Digital Marketing, xây dựng, y tế, điện - cơ khí.
Ông Toàn nhận định, những ngành nghề trên vẫn là những ngành nghề có thu nhập cao năm 2022 và tiếp tục cao trong vòng 5-10 năm tới. Đối với những chuyên viên có trình độ cao, kỹ sư điện toán đám mây, thiết kế đồ họa, chuyên gia mạng máy tính, chuyên viên Marketing Online...
Theo Bộ GD&ĐT, việc các trường đại học mở nhiều ngành nghề mới như hiện nay các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện tự chủ, được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố.
Các trường chủ động điều chỉnh các chương trình đào tạo; chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu của người học.
Đồng thời, các trường cập nhật, điều chỉnh các ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc các trường ồ ạt mở ngành học mới có thể sẽ đem lại cả cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức và rủi ro. Để có những bước đi đúng đắn thì các trường phải có một kế hoạch cụ thể và có sự tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra một ngành học mới.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tỷ lệ sinh viên có việc làm…) để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút được sinh viên giỏi; thúc đẩy các trường ngày càng đi vào thực chất hơn với chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.