Các trường có môn thi năng khiếu xét tuyển thế nào?

Hồng Hạnh| 09/03/2015 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một số trường như HV Báo chí Tuyên truyền, ĐH Sân khấu điện ảnh, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh, các trường văn hóa nghệ thuật... ngoài xét tuyển còn tổ chức các môn thi năng khiếu theo quy chế tuyển sinh riêng.

1, Học viện Báo chí – Tuyên truyền:

Học viện Báo chí – Tuyên truyền xét tuyển theo 3 nhóm ngành:

-Nhóm 1: Ngành Báo chí.

-Nhóm 2 gồm các ngành: Triết học, Kinh tế, Lịch sử, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội;

-Nhóm 3 gồm các ngành: Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh.

Trong từng nhóm ngành, Học viện quy định môn bắt buộc và môn tự chọn để xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Riêng nhóm 1 ngành Báo chí tổ chức thi bổ sung môn: Năng khiếu báo chí.

Sinh viên học các chuyên ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Thí sinh dự thi các chuyên ngành này không nói ngọng, nói lắp, không bị dị tật về ngoại hình.

Thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh, dị tật về mắt, ngoại hình phù hợp (nam cao 1m65, nữ cao 1m60 trở lên).

Các trường có môn thi năng khiếu xét tuyển thế nào?

Thí sinh vào ngành báo chí sẽ phải thi thêm bài thi năng khiếu - Ảnh: Ngọc Thắng

Điều kiện nộp hồ sơ vào Học viện Báo chí phải thỏa mãn các yêu cầu: Có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm Trung học phổ thông đạt 6,0 trở lên; Hạnh kiểm 3 năm Trung học phổ thông xếp loại Khá trở lên; Điểm trung bình các môn thi Trung học phổ thông quốc gia đạt 6,0 trở lên (theo thang điểm 10).

Đối với môn thi năng khiếu được tổ chức thi tại trường, bài thi năng khiếu gồm 2 phần:

+ Phần thứ nhất: Bài thi trắc nghiệm (3 điểm) gồm 30 câu hỏi, thời gian làm bài 30 phút: kiểm tra hiểu biết chung về các vấn đề của đời sống xã hội.

+ Phần thứ hai: Bài thi tự luận (7 điểm) gồm 2 câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút:

Câu 1 (3 điểm): đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình.

Câu 2 (4 điểm): đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa là 500 từ.

Tổng thời gian làm bài thi Năng khiếu báo chí: 150 phút. Bài thi Năng khiếu do Học viện ra đề và tổ chức chấm thi.

Điểm trúng tuyển được xác định theo ngành, chuyên ngành dựa trên tổng điểm các môn thi quy định cho nhóm ngành xếp từ cao xuống thấp. Các môn thi thuộc nhóm ngành 1, nhóm ngành 2 tính hệ số 1, môn Tiếng Anh thuộc nhóm ngành 3 tính hệ số 2.

Lịch thi tuyển đối với nhóm ngành có môn thi năng khiếu: Học viện nhận hồ sơ xét tuyển ngay sau khi có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và sẽ kết thúc nhận hồ sơ trước 10 ngày so với thời hạn xét tuyển đợt 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dự kiến kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 10/8/2015).

Tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí dự kiến vào 12/8/2015, công bố danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến vào ngày 15/8/2015. Trả hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh không trúng tuyển ngành Báo chí dự kiến từ 16 – 20/8/2015 (dự kiến 5 ngày cuối theo lịch xét tuyển đợt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

2, Đại học Sân khấu điện ảnh

Năm 2015, Đại học Sân khấu điện ảnh sẽ tuyển sinh kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, cụ thể như sau:

-Khối thi: Trường tuyển sinh theo khối các trường năng khiếu. Ngoài khối S (thí sinh dự thi môn Ngữ văn và 2 môn năng khiếu như truyền thống), trường đề nghị bổ sung thêm khối S1 (thí sinh dự thi môn Toán và 2 môn năng khiếu) đối với 2 chuyên ngành: Âm thanh điện ảnh – truyền hình và Công nghệ dựng phim của ngành Công nghệ điện ảnh – truyền hình.

Ngành Công nghệ điện ảnh- truyền hình thuộc khoa Kỹ thuật và công nghệ điện ảnh –truyền hình có nhiều chuyên ngành, tương ứng có nhiều chương trình đào tạo. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của ngành và năng lực thực tế của trường, nhà trường mới đào tạo 2 chuyên ngành là Âm thanh điện ảnh- truyền hình và Công nghệ dựng phim.

Ngoài các điều kiện dự thi theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục Đào tạo, thí sinh dự thi các ngành / chuyên ngành nghệ thuật đặc thù của trường phải bảo đảm các điều kiện sau:

* Diễn viên kịch – điện ảnh; Diễn viên chèo; Diễn viên cải lương:

- Có độ tuổi từ 17 đến 22. Chiều cao tối thiểu đối với nam: 1m65; nữ: 1m55.

- Người cân đối, không có khuyết tật hình thể. Có tiếng nói tốt, không nói ngọng, nói lắp (Riêng đối với Diễn viên chèo, Diễn viên cải lương cần có giọng hát tốt).

- Thí sinh nữ khi dự thi không mặc áo dài, không mặc váy và không được trang điểm.

* Biên đạo múa, Huấn luyện múa: Tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng múa; chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng: có năng khiếu nghệ thuật múa, có hình thể đẹp.

* Một số ngành/chuyên ngành sau đây khi đăng ký dự thi, thí sinh phải nộp 01 bài viết (gọi tắt là bài điều kiện), viết tay trên khổ giấy A4, lý giải tại sao mình lại lựa chọn dự thi ngành học này và phải nộp kèm thêm thêm những tác phẩm, bài viết… theo yêu cầu cụ thể như sau:

- Đạo diễn điện ảnh; Đạo diễn truyền hình: 03 ý tưởng của 03 phim ngắn do thí sinh tự sáng tác, đánh máy trên khổ A4, mỗi ý tưởng không quá 200 từ.

- Biên kịch điện ảnh: 03 tiểu phẩm do thí sinh tự sáng tác, đánh máy trên khổ giấy A4, mỗi tiểu phẩm không quá 1.000 từ.

- Biên tập truyền hình: 03 bài viết nhận xét về 03 chương trình truyền hình mà thí sinh quan tâm, đánh máy trên khổ giấy A4, mỗi bài viết không quá 1.000 từ.

- Lý luận và phê bình điện ảnh – truyền hình: 03 bài viết thể hiện quan niệm, sự đánh giá của thí sinh về 03 bộ phim đã xem trong rạp hoặc trên truyền hình, đánh máy trên khổ giấy A4, mỗi bài viết không quá 1.000 từ.

- Quay phim điện ảnh; Quay phim truyền hình: 15 ảnh màu hoặc đen trắng do thí sinh tự chụp, cỡ 10x15 cm theo các chủ đề: phong cảnh, chân dung, tĩnh vật và sinh hoạt.

- Nhiếp ảnh nghệ thuật; Nhiếp ảnh báo chí: 10 ảnh màu hoặc đen trắng do thí sinh tự chụp, cỡ 13x18 cm theo các chủ đề: phong cảnh, chân dung, tĩnh vật và sinh hoạt.

- Lý luận và phê bình sân khấu: 01 bài viết thể hiện quan niệm, sự đánh giá của thí sinh về 01 vở diễn sân khấu mình đã xem trong rạp hoặc trên truyền hình, đánh máy trên khổ giấy A4, mỗi bài viết không quá 1.000 từ.

- Biên kịch sân khấu: 02 câu chuyện có mâu thuẫn, xung đột do thí sinh tự sáng tác, đánh máy trên khổ giấy A4, mỗi câu chuyện từ 600 đến 1.000 từ.

Thí sinh không có bài điều kiện sẽ không được dự thi. Nếu được vào chung tuyển, các bài điều kiện này sẽ được các giảng viên hỏi thi sử dụng để kiểm tra năng lực thực tế của thí sinh. Do đó,các bức ảnh, tiểu phẩm, kịch ngắn, bài phân tích… phải do chính thí sinh thực hiện. Nếu phát hiện hiện tượng đạo văn, lấy ảnh của người khác dự thi, thí sinh sẽ bị huỷ kết quả thi.

Các ngành nghệ thuật thí sinh phải thi 2 vòng sơ tuyển và chung tuyển. Đạt ở vòng sơ tuyển mới được thi chung tuyển, cả 2 vòng đều được tổ chức thi tại trường không tổ chức sơ tuyển ở các địa phương.

3, Đại học Kiến trúc Hà Nội

Đại học Kiến trúc sẽ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia môn Toán, Lý, còn năng khiếu tổ chức thi riêng.

môn Mỹ thuật do trường đại học Kiến trúc tổ chức. Từ năm 2016 môn Vật lý được thay bằng môn Ngữ văn.

- Môn Vẽ mỹ thuật gồm 2 bài thi MT1 và MT2, thi vào 2 buổi, có tỷ lệ điểm 50/50, bằng bút chì đen trên khổ giấy Ả

- Điểm môn Vẽ mĩ thuật nhân hệ số 1,5 và phải đạt (sau khi nhân hệ số): KV1 là lớn hơn hoặc bằng 6,00, KV2, KV2-NT lớn hơn hoặc bằng 6,75, KV3 lớn hơn hoặc bằng 7,5.

Các trường có môn thi năng khiếu xét tuyển thế nào?

TS dự thi năng khiếu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

* Môn Vẽ mĩ thuật gồm hai bài thi MT1 và MT2, thi vào hai buổi, có tỷ lệ điểm 50/50, bằng bút chì đen trên khổ giấy A3.

Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội không tổ chức thi sơ tuyển môn Vẽ mỹ thuật. Thí sinh đăng ký trực tiếp vào các ngành năng khiếu và thi môn năng khiếu theo quy định của trường.

4, Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh

Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đăng ký tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết quả học THPT kết hợp thi tuyển môn năng khiếu cho tất các các ngành đào tạo. Xét tuyển theo điểm từ trên xuống dưới cho đến hết chỉ tiêu.

Thí sinh dự thi phải đạt yêu cầu về thể hình: Nam cao từ 1,65m; nặng từ 45kg trở lên. Nữ cao từ 1,55; cân nặng từ 40kg trở lên. Thể hình cân đối, không bị dị tật, dị hình, không bị bệnh tim mạch.

Thi tuyển môn năng khiếu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Quy trình, nội dung thi gồm:

-Nội dung thi năng khiếu ngành Giáo dục thể chất: Bật xa tại chỗ + chạy Luồn cọc + Chạy 100m

-Nội dung thi năng khiếu ngành Huấn luyện thể thao: Bật xa tại chỗ + chạy Luồn cọc + Chạy 400m

-Nội dung thi năng khiếu ngành Quản lý Thể dục thể thao: Bật xa tại chỗ + Chạy 100m

-Nội dung thi năng khiếu ngành Y sinh học Thể dục thể thao: Bật xa tại chỗ + Chạy 100m

-Nội dung thi năng khiếu hệ cao đẳng: Bật xa tại chỗ + Chạy 100m

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các trường có môn thi năng khiếu xét tuyển thế nào?