Kết thúc Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tối 16/7, các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về “Vượt qua COVID-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ New Zealand, bà Jacinda Ardern, tối 16/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Tham dự Cuộc họp có Lãnh đạo Kinh tế của 21 thành viên APEC.
Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Y tế, Kế hoạch Đầu tư, và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC thông qua Tuyên bố chung
Với chủ đề “Ứng phó đại dịch COVID-19, đâu là cơ hội của châu Á-Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tăng cho tương lai tốt đẹp hơn?”, cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giám đốc Quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới đã được mời báo cáo về tình kinh tế và ứng phó dịch bệnh toàn cầu tại Cuộc họp.
Các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác và các giải pháp đa phương trong việc cùng nhau vượt qua khủng hoảng y tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế sáng tạo, bền vững, bao trùm và an toàn. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí bốn định hướng hành động của APEC trong thời gian tới:
Một là, ủng hộ chia sẻ vaccine giữa các nền kinh tế; kêu gọi chuyển giao công nghệ, củng cố hệ thống y tế tự cường nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai.
Thứ hai, tăng cường triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất kinh tế, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế.
Thứ ba, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, trong đó có các giải pháp tăng cường kĩ năng số cho người lao động để tham gia vào thị trường lao động mới.
Thứ tư, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá và dịch vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và hỗ trợ quá trình phân phối vaccine; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế.
Kết thúc cuộc họp, các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về “Vượt qua COVID-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”.
3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế ứng phó với dịch bệnh trong hơn một năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nền kinh tế thành viên APEC. Nổi bật là sự đồng tình chung tay hành động của người dân và giữa các nền kinh tế thành viên trong triển khai các biện pháp chống dịch một cách tổng thể, khoa học, đa phương, bao trùm. Chỉ cần một người, một nền kinh tế chưa an toàn về dịch thì cả thể giới sẽ không thể an toàn. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới, APEC rất cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và tiêm chủng hiệu quả nguồn vaccine có chất lượng. Tận dụng công nghệ mới và đẩy nhanh chuyển đổi số là nền tảng quan trọng góp phần vào phát triển bền vững.
“Dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, kéo dài trong khi sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đang cạn dần, nghèo đói lan rộng, thất nghiệp gia tăng, bất bình đẳng xã hội trầm trọng hơn… Chạy đua với thời gian, chúng ta phải hành động quyết liệt hơn, hợp tác thực chất, hiệu quả hơn”, Chủ tịch nước nói, và đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC.
Trước hết, triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; và đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.
Thứ ba, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.
Chủ tịch nước đã chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép” về phòng, chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế và bày tỏ đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình này.
Chủ tịch nước khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp phối hợp chặt chẽ của các thành viên khác thúc đẩy hợp tác trên tinh thần “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng” vì tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của Hội nghị.