Các nhà hoạt động môi trường kêu gọi các đặc phái viên khí hậu từ hàng chục quốc gia nhóm họp vào ngày 2/5 tại Berlin thảo luận về thời hạn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và tăng tài trợ cho các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên của trái đất.
Ngày 2/5, khoảng 40 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đang tham dự Đối thoại Khí hậu Petersberg được tổ chức tại thủ đô nước Đức. Cuộc họp kéo dài 2 ngày là một bước đàm phán quan trọng trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu 2023 (COP28) sẽ diễn ra vào cuối năm tại Dubai.
Các nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng các quốc gia như Hoa Kỳ, Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Liên minh châu Âu sẽ ủng hộ ý tưởng “thu hồi carbon” như một biện pháp cho phép tiếp tục hoặc thậm chí mở rộng khai thác dầu khí.
Các nhà khoa học cho biết các công nghệ loại bỏ carbon dioxide đang làm trái đất nóng lên và chưa được chứng minh về tính hiệu quả ở quy mô lớn, thậm chí còn có thể cần những khoản đầu tư lớn hơn các giải pháp thay thế khác như năng lượng mặt trời và gió.
Harjeet Singh, người đứng đầu Chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng lưới hành động khí hậu quốc tế cho biết: “Họ đang cố gắng kéo dài thời gian sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là bằng cách tập trung vào giải pháp thu hồi và lưu trữ carbon. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng lo lắng”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chấm dứt tất cả việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân chính khiến trái đất nóng kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp; đồng thời cảnh báo rằng nếu không thực hiện điều này thì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) sẽ không đạt được. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có than đá được chú ý, với cam kết của các quốc gia cách đây 2 năm về việc “giảm dần” việc sử dụng loại nhiên liệu này.
Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển và Chính sách Khí hậu Toàn cầu của Đan Mạch, Dan Jørgensen, gần đây cho biết cam kết toàn cầu ngừng sử dụng dầu và khí đốt “sẽ là một phần của cuộc trò chuyện” trước và trong Hội nghị thượng đỉnh ở Dubai.
Trong khi đó, Harjeet Singh cho biết cũng cần phải tìm ra các giải pháp cho hàng triệu công nhân trong ngành than, dầu và khí đốt nếu việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch được thực hiện thành công, cũng như cung cấp các nguồn năng lượng thay thế cho những người vẫn đang sống dựa vào nhiên liệu hóa thạch giá rẻ này.
Ông nói: “Những gì chúng ta cần làm trong năm nay không chỉ là về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch mà còn là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng”.
Các nhà ngoại giao cũng sẽ thảo luận về cách tăng cường các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Cam kết cung cấp 100 tỷ đô la mỗi năm vẫn chưa được đáp ứng và một quỹ riêng - đã được thống nhất tại các cuộc đàm phán về khí hậu năm ngoái ở Ai Cập - vẫn đang trong quá trình thành lập.
Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry cho biết, tổng số tiền cần thiết để giúp tất cả các quốc gia thực hiện quá trình chuyển đổi kinh tế sang nền kinh tế xanh sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đô la. Các chuyên gia cho rằng ngoài viện trợ, khu vực tư nhân cũng sẽ cần một khoản tiền lớn. Các nguồn khác như thuế carbon đối với du lịch hàng không và đường biển cũng đã được thả nổi.
Câu hỏi lớn về nguồn tài chính sẽ đến từ đâu để các quốc gia thực hiện bất kỳ chính sách khí hậu tiềm năng hoặc chính sách chuyển đổi năng lượng nào cần phải được trả lời.